Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra 3 phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia chung từ năm 2015. Phóng viên TTXVN tại Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận những ý kiến đánh giá của các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục xung quanh vấn đề này.
Phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Minh Oanh: Cần đổi mới ngay cách dạy và học theo hướng tích hợp
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra phương án tổ chức một kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, đây là chủ trương đúng đắn và rất cần thiết, xuất phát từ thực trạng giáo dục Việt Nam hiện nay.
Việc kết hợp hai kỳ thi sẽ giúp xã hội tiết kiệm được nguồn kinh phí lớn cũng như đỡ tốn thời gian, công sức của phụ huynh và học sinh. Thực tế, các kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông vừa qua là quá lãng phí, trong khi học sinh hầu như đậu hết, chỉ kỳ thi Đại học, Cao đẳng mang tính thực chất.
Việc tổ chức một kỳ thi chung sẽ rất khó khăn vì mục đích của hai kỳ thi trước đây hoàn toàn khác nhau.
Theo thầy Ngô Minh Oanh, để tổ chức một kỳ thi đạt cả hai mục tiêu không phải dễ, cần phải có lộ trình cụ thể và hợp lý. Quan trọng nhất là chúng ta có mạnh dạn thay đổi để đạt được hiệu quả cao nhất hay không.
Tiến sỹ Ngô Minh Oanh cho rằng, chắc chắn trong thời gian đầu thực hiện sẽ có những phản ứng từ xã hội do tỷ lệ học sinh không đậu tốt nghiệp tăng lên. Đây cũng là áp lực cho xã hội vì số thí sinh thi trượt này sẽ phải học và ôn luyện lại cho kỳ thi năm sau. Tuy nhiên về lâu dài, xã hội sẽ đồng thuận với việc tổ chức kỳ thi chung vì nó đánh giá đúng thực trạng nền giáo dục.
Từ năm 2012, Viện Nghiên cứu Giáo dục đã đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc giảm tải số môn thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông cho học sinh với chỉ 4 môn. Với tình hình hiện nay (tổ chức một kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia), phó giáo sư-tiến sỹ Ngô Minh Oanh cho rằng, nếu áp dụng phương án thi theo môn (phương án 1 của Bộ - PV) sẽ thuận lợi hơn thi theo bài (phương án 2 và 3), nhưng lại mang “hơi hướng” của cách thức cũ.
Việc thi theo bài sẽ khó khăn hơn vì chúng ta chưa có sự chuẩn bị, giáo viên sẽ lúng túng khi ra đề và học sinh khó khăn trong việc học và làm bài thi. Tuy vậy, nếu chúng ta quyết tâm thi theo bài (vì tiên tiến hơn) thì vẫn có thể được, nhưng nên thay đổi một chút so với phương án của Bộ đưa ra.
Đề xuất cho phương án tổ chức thi, thầy Ngô Minh Oanh cho rằng, môn Toán và môn Ngữ Văn vẫn phải bắt buộc. Hai môn tự chọn (một môn khoa học tự nhiên, một môn khoa học xã hội), ra đề theo hướng tương đối độc lập, chỉ nên tích hợp các môn vào đề khoảng 1/3. Điều này sẽ giảm thiểu thực trạng học lệch của học sinh. Đây là phương án hợp lý nhất trong năm đầu tiên áp dụng kỳ thi chung.
Bên cạnh đó, để phương án thi theo bài đạt hiệu quả cao và bền vững, ngay từ năm 2015, Bộ cần cải cách sách giáo khoa, đồng thời ngành giáo dục thay đổi cách dạy và học theo hướng các môn học tích hợp. Đây là điều cần thiết để cải cách toàn diện giáo dục.
Nhà giáo ưu tú, phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Văn Dũng: Nên bắt đầu từ năm 2015
Phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Đây là chủ trương đúng và sẽ nhận được sự đồng thuận từ xã hội. Tổ chức một kỳ thi quốc gia là phù hợp với xu thế của thời đại, với mục tiêu không yêu cầu học thuộc lòng để lấy bằng cấp, mà chú trọng kiểm tra năng lực thực sự của thí sinh.
Điều này cũng giúp bỏ qua được cách đánh giá cào bằng, ai cũng đậu tốt nghiệp phổ thông, tránh được những trường hợp như học sinh đạt 10 điểm môn Toán tốt nghiệp, nhưng chỉ được 1 điểm khi thi Đại học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, phương án tuyển sinh chung sẽ áp dụng trong năm 2015 và các trường phải có phương thức tuyển sinh, đề án tự chủ tuyển sinh cụ thể vào cuối tháng Chín này.
Thầy Đỗ Văn Dũng cho rằng, việc áp dụng ngay trong năm 2015 là hợp lý vì chúng ta đã có định hướng này từ trước. Thậm chí có thể nói, đến nay mới đưa ra phương án kết hợp chung 2 kỳ thi là chậm, nhưng cũng thể hiện tính cầu thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Vấn đề thời gian sẽ không khó khăn, các trường sẽ sớm xây dựng được phương án tự chủ tuyển sinh của mình để trình Bộ. Chỉ có chút lo lắng là ban đầu xã hội sẽ bị “sốc” vì số thí sinh bị trượt tốt nghiệp phổ thông sẽ tăng cao như cách đây mấy năm. Tuy nhiên, đây là điều rất cần thiết, về lâu dài sẽ có lợi nhiều mặt cho xã hội, mà thể hiện rõ nhất trước mắt là hàng năm sẽ tiết kiệm được số tiền khá lớn chi cho thi cử.
Về phương án tổ chức thi năm 2015, thầy Đỗ Văn Dũng cho rằng, cần gộp các phương án mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra để hoàn chỉnh kỳ thi quốc gia. Và dù với phương án nào thì những môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại Ngữ cũng nên bắt buộc thi riêng. Trong khi các môn còn lại sẽ tính toán việc tích hợp sao cho thuận lợi nhất và đảm bảo học sinh không học lệch.
Bên cạnh đó, hiện khoảng cách giáo dục ở Việt Nama vẫn có sự khác biệt giữa các vùng, miền. Do đó, để kỳ thi quốc gia được thực hiện một cách thuận lợi và đảm bảo công bằng, cần phải tính đến điểm ưu tiên khu vực như kỳ thi Đại học, Cao đẳng hiện nay để đảm bảo lợi ích cho những học sinh vùng sâu, vùng khó khăn có thể đậu tốt nghiệp./.