Viện Khoa học Thủy lợi khảo sát, đánh giá tình trạng sạt lở bờ đê sông Cầu

Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Viện Khoa học Thủy lợi đề xuất kế hoạch nghiên cứu tổng thể toàn tuyến đê hữu Cầu ở tỉnh để đưa ra giải pháp bảo vệ an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của dân.

Hiện trường vụ sạt lở khiến nhiều ngôi nhà bị rạn nứt, nghiêng, bị hư hại nghiêm trọng. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Hiện trường vụ sạt lở khiến nhiều ngôi nhà bị rạn nứt, nghiêng, bị hư hại nghiêm trọng. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Hơn 1 tháng từ khi ngôi nhà đầu tiên và 1 ngày kể từ khi 6 ngôi nhà và công trình xây dựng tại phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, bị sạt, trượt xuống sông, mặc dù đã được chính quyền địa phương bố trí nơi ở tạm hoặc hỗ trợ di chuyển sang ở nhờ nhà người thân nhưng những gì vừa diễn ra vẫn còn ám ảnh đối với người dân nơi đây.

Bà con mong muốn muốn các cấp chính quyền sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên để họ yên tâm sinh sống, làm việc.

Cần sớm ổn định đời sống người dân

Đã hơn 1 tháng kể từ ngày 7/3 vừa qua, khi ngôi nhà gắn bó gần 10 năm với gia đình bà Nguyễn Thị Quy, khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, bị sạt lở, chính quyền địa phương đã hỗ trợ, bố trí để gia đình bà ra Nhà văn hóa khu Vạn Phúc sinh sống. Đây là chủ trương nhân văn, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cấp bách cho người dân.

Bà Nguyễn Thị Quy chia sẻ năm 2015, với số tiền tích lũy và vay mượn thêm, gia đình bà xây dựng căn nhà khang trang 3 tầng để sinh hoạt. Tuy nhiên, hơn 1 tháng trước, sự cố sạt lở bờ đê đã khiến toàn bộ ngôi nhà của bà bị sụt lún, nguy cơ sạt xuống sông nên gia đình phải di tản. Cả nhà hiện ở chung 1 phòng trong nhà văn hóa khu phố, mọi người đều động viên nhau sớm vượt qua khó khăn.

“Mặc dù đã có nơi ăn nghỉ tạm thời nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế, người dân mong muốn các cơ quan chức năng sớm có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm tình trạng trên để có cuộc sống ổn định, yên tâm lao động và sản xuất,” bà Quy nói.

ttxvn_sat lo song cau2.jpg
Người dân sống tại khu di tản, nhà văn hóa Vạn Phúc, phường Vạn An. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Trong niềm tiếc nuối, bà Nguyễn Thị Thao, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, chia sẻ bà đã có 24 năm sống và làm việc tại đây. Điều khiến bà hoang mang, lo lắng là mảnh đất này đang xảy ra sạt lở. Chỉ trong khoảng 1 giờ, rạng sáng 7/4 vừa qua, nhiều ngôi nhà gần bờ sông bị sạt đổ hết. Nhà bà ban đầu chỉ bị sạt 1/3, sau đó cả nhà đang xây đổ xuống sông. Bà mong các cấp chính quyền sớm vào cuộc, khắc phục tình trạng sạt lở, hỗ trợ người dân ra khu tái định cư để ổn định cuộc sống.

Cùng tâm trạng như bà Thao, anh Nguyễn Văn Thiệp, khu Vạn Phúc, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, thẫn thờ bên cạnh bến đò gần căn nhà bị sạt cho biết gia đình anh hiện có 4 người, gồm anh và 3 người con. Sau khi di dời để tránh nguy hiểm, anh và các con sang nhà bố mẹ sinh sống. Vì vậy, anh mong muốn các cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân tình trạng sạt lở, bố trí, hỗ trợ người dân chỗ ở để ổn định đời sống, anh có thể tiếp tục làm việc, nuôi các con ăn học.

Các cấp chính quyền khẩn trương vào cuộc

Theo ông Đặng Thanh Ngân, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, tính đến nay, tại khu Vạn Phúc có 6 nhà dân và 2 công trình xây dựng bị sạt, trượt, cùng trên 20 nhà dân bị ảnh hưởng trực tiếp, đang ở vùng nguy hiểm. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, các ngành chức năng của tỉnh đã xuống kiểm tra hiện trường, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Phường tiến hành di dời các hộ dân nằm trong khu vực nguy cơ cao, đảm bảo an toàn về sức khỏe, tính mạng của người dân.

Ủy ban Nhân dân thành phố Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng bàn biện pháp tháo dỡ công trình bị sạt lở, giảm tải cho bờ bãi, hạn chế sạt lở tiếp diễn. Ủy ban Nhân dân phường Vạn An huy động khoảng 50 người hỗ trợ đưa tài sản của người dân đến nơi an toàn, cắm biển cảnh báo, cử lực lượng thường trực không để người ra vào khu vực sạt lở. Ủy ban Nhân dân phường sẽ bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sự cố sạt lở bờ sông đến ở lâu dài tại khuôn viên trường mầm non cũ của phường từ ngày 15/4 tới.

Trước đó, ngày 20/3 vừa qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định công bố tình huống khẩn cấp sự cố về đê điều và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để ngăn chặn tình trạng sạt lở bờ sông trên đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh.

ttxvn_sat lo song cau1.jpg
Địa phương cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại khu vực ảnh hưởng sạt lở. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)

Tại văn bản số 1102/UBND-NN ngày 5/4/2024 về việc thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn khu vực sự cố sạt trượt tương ứng từ K49+750 đến K49+800 đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố lập phương án giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ công trình, nhà ở xung quanh khu vực xảy ra sự cố sạt lở để đảm bảo an toàn và có đủ mặt bằng để triển khai các biện pháp chống sạt lở bờ, bãi sông.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi tổ chức tổ chức khảo sát địa hình, địa chất, đánh giá nguyên nhân và đề xuất giải pháp xử lý sự cố sạt lở đoạn từ K49+750 đến K49+800 đê hữu Cầu, thành phố Bắc Ninh, hoàn thành trước ngày 15/5 tới.

Sở khảo sát, đánh giá, nghiên cứu xác định nguyên nhân và đề xuất biện pháp xử lý đảm bảo an toàn cho toàn bộ khu dân cư ngoài bãi sông từ K45+700 đến K52+100 đê hữu Cầu, huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh, trên cơ sở đó đánh giá các điểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở và đề xuất thứ tự ưu tiên. Thời gian thực hiện xong trước 31/10 năm nay.

Ngày 8/4, Đoàn công tác của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam tiến hành khảo sát, đánh giá tình trạng sạt lở đề xuất giải pháp xử lý triệt để.

Tại buổi làm việc, Đoàn khảo sát thực trạng lở, bồi, đánh giá quy luật thủy triều, dòng chảy tại vị trí bờ hữu, bờ tả đê sông Cầu thuộc địa phận phường Vạn An và phường Hòa Long (thành phố Bắc Ninh).

Trên cơ sở những khảo sát, đánh giá ban đầu, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất kế hoạch nghiên cứu tổng thể toàn tuyến đê hữu Cầu trên địa bàn tỉnh, từ đó đưa ra giải pháp công trình nhằm bảo vệ sự an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực ven đê./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục