Viện trưởng Viện Địa Vật lý: Động đất ở Cao Bằng đã qua nguy hiểm

Phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng khẳng định 3 trận động đất vừa xảy ra tại Cao Bằng là hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên, hiện đã qua "cơn nguy hiểm."
Viện trưởng Viện Địa Vật lý: Động đất ở Cao Bằng đã qua nguy hiểm ảnh 1Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong vòng 36 giờ, tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đã liên tiếp xảy ra 3 trận động đất. Trong đó, trận động đất cường độ 5,4 xảy ra sáng qua, 25/11, đã kéo theo dư chấn gây rung lắc tại một số khu vực nội thành ở Hà Nội, và một số tỉnh lân cận.

Sau dư chấn trận động đất chính khiến người dân Thủ đô và một số tỉnh lân cận giật mình trên, vào lúc10 giờ 51 phút, sáng 25/11, thêm một trận động đất 3,8 lại xảy ra tại khu vực huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km.

Gần đây nhất, vào lúc 8 giờ 52 phút sáng nay, một trận động đất cường độ 2,5 lại tiếp tục xảy ra tại huyện Trùng Khánh, với độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km.

Vậy những trận động đất này có gì đáng lo ngại? Liệu sau 3 trận động đất trên, Cao Bằng có tiếp tục xảy ra động đất, gây rung lắc tới các tỉnh lân cận, đặc biệt là Hà Nội?

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus về vấn đề trên, phó giáo sư tiến sĩ Cao Đình Triều, Viện trưởng Viện Địa Vật lý ứng dụng khẳng định 3 trận động đất vừa xảy ra tại Cao Bằng là hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên.

Đây là đới đứt gãy hoạt động mạnh với động đất mạnh nhất được dự báo có thể lên tới 6 độ. Đới đứt gãy này trải dài từ Cao Bằng qua Lạng Sơn đến Quảng Ninh. Hoạt động mạnh nhất ở phía đầu đứt gãy là khu vực Cao Bằng-Lạng Sơn, khu vực cuối đứt gãy là Lạng Sơn-Quảng Ninh hoạt động yếu hơn. Đới đứt gãy xảy ra 2 trận động đất vừa rồi không phải là đới đứt gãy chạy qua thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, ông Triều cũng lưu ý, trận động đất cường độ 5,4 xảy ra hôm qua là trận động đất “xưa nay hiếm” tại tỉnh Cao Bằng, nên đã tạo ra “sóng” dư luận, có phần gây hoang mang. Còn thực tế, đó là những trận động đất nhỏ.

“Sau trận động đất chính, thông thường sẽ có dư chấn. Vì vậy, những trận động đất nhỏ xảy ra tiếp theo là hoàn toàn phù hợp quy luật tự nhiên,” ông Triều nêu quan điểm và cho rằng “nếu giả sử sau trận động đất cường độ 5,4 xảy ra hôm qua, mà không có dư chấn động đất nhỏ, cỡ 2,5 như sáng nay, thì mới đáng lo.”

[Xác nhận rung lắc tại Hà Nội do dư chấn từ trận động đất tại Lào]

Phân tích rõ hơn về thực tế nêu trên, ông Triều cho rằng nếu không xuất hiện dư chấn động đất nhỏ hơn, thì có thể sẽ còn có những trận động đất với cường độ lớn hơn. Còn trường hợp sau trận động đất lớn, xuất hiện ngay những trận động đất nhỏ hơn, nghĩa là “người dân có thể yên tâm sẽ không có động đất mạnh hơn nữa.”

“Có thể khẳng định trận động đất cường độ 5,4 xảy ra hôm qua đã là trụ (trận động đất) chính. Sau đó, sẽ chỉ có dư chấn động đất nhỏ và thông thường sẽ có hàng trăm dư chấn nhỏ và không đáng lo ngại,” ông Triều nhấn mạnh.

Về nguyên nhân gây ra động đất, ông Triều khẳng định không phải do xây dựng các công trình thủy điện mà đây là động đất tự nhiên. Đới động đất này nằm gần với đập thủy điện lớn nhất của Lào (khoảng 60km) nên nhiều người nghĩ nguyên nhân là do thủy điện.

Ông Triều cũng cho biết từ nhiều năm nay, Viện Vật lý địa cầu chưa quan sát được trận động đất nào lớn ở Hà Nội, các nhà địa chất gọi là đới sông Hồng, bắt nguồn từ Vân Nam (Trung Quốc), qua Lào Cai. ngoài ra, đây cũng là đới hoạt động yếu. Trận lớn nhất ở Lào Cai nhiều năm trước cũng chỉ có cường độ 5,3 đến 5,4.

Do đó, “để dự báo được động đất mạnh hay không rất khó, nhưng ở khu vực Hà Nội nếu có thì cũng không mạnh và không ảnh hưởng đến đời sống người dân,” ông Triều thẳng thắn chia sẻ.

Vị chuyên gia cũng lưu ý, theo dự báo thì ở Việt Nam, khu vực có nguy cơ xảy ra động đất lớn nằm ở Tây Bắc, vùng Tuần Giáo. Song những trận động đất lớn có thể xảy ra nhưng chu kỳ của nó rất dài, khoảng 420 năm mới lặp lại.

"Như vậy, trong thời gian gần, toàn miền Bắc Việt Nam thì sẽ không có động đất mạnh. Những vùng sát biển có thể có nhưng chỉ là những cơn chấn động yếu," ông Triều nói thêm.

Có chung quan điểm, chuyên gia địa chấn Nguyễn Hồng Phương (Trung tâm cảnh báo động đất và sóng thần, Viện Vật lý địa cầu) cũng khẳng định 3 trận động đất vừa xảy ra tại Cao Bằng là hoàn toàn phù hợp với quy luật tự nhiên.

“Thông thường, sau trận động đất chính sẽ xuất hiện các dư chấn động đất nhỏ dần đi và kết thúc sau đó. Những trận động đất vừa xảy ra là động đất nhỏ, khó có thể gây ảnh hưởng tới người và tài sản,” ông Phương nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục