Việt Nam cùng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu

Tại COP 20 vừa qua, Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực nhằm thực hiện cam kết cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Việt Nam cùng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu ảnh 1Trồng cây đước tại khu vực rừng phòng hộ ven biển Sóc Trăng. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Ngày 17/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức họp báo về kết quả Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 20) diễn ra tại Lima, Peru từ ngày 1-12/12.

Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại trong thế kỷ 21.

Nếu không có biện pháp và hành động kịp thời, biến đổi khí hậu sẽ diễn biến theo kịch bản xấu nhất. Nhiệt độ tăng hơn 4 độ C, băng tan, mực nước biển dâng là những hiểm họa to lớn đe dọa tất cả các quốc gia.

Do vậy, COP 20 và Hội nghị lần thứ 10 các Bên tham gia Nghị định thư Kyoto (CMP 10) tại Lima là hội nghị quan trọng để có thể tiến tới việc xây dựng thỏa thuận toàn cầu mới vào năm 2015. Tham dự COP có trên 12.000 đại biểu đến từ 186 nước trên thế giới.

Ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Phó Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu cho biết: Quyết định quan trọng nhất của COP 20 là các bên đã thống nhất thông qua “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu,” bao gồm 22 điều và 1 phụ lục.

Cụ thể là thống nhất về mặt nguyên tắc “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu” nằm trong Khuôn khổ công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, chịu sự chi phối của các nguyên tắc của Công ước, trong đó có nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có phân biệt; khẳng định thích ứng với biến đổi khí hậu tiếp tục được đẩy mạnh trong Thỏa thuận 2015; bày tỏ quan ngại do còn chênh lệch quá lớn giữa kết quả giảm nhẹ của thế giới thời gian qua so với yêu cầu của khoa học nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C hoặc không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỷ; các bên cần khẩn trương hoàn thành Thoả thuận 2015 để có thể thông qua vào tháng 12/2015.

Quyết định Thoả thuận 2015 sẽ áp dụng cho tất cả các nước, gồm 5 trụ cột chính là thích ứng; giảm nhẹ; tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ; tài chính và minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ; yêu cầu các quốc gia phát triển huy động nguồn lực tài chính thực hiện thích ứng và giảm nhẹ tại các nước đang phát triển, đẩy nhanh hoàn thiện dự thảo Thoả thuận 2015 xong trong tháng 5 năm 2015.

Thống nhất báo cáo Dự kiến đóng góp do quốc gia quyết định (iNDC) cần minh bạch, thuận lợi cho việc giải trình; kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức quốc tế hỗ trợ cho xây dựng và thực hiện iNDC tại các nước có nhu cầu hỗ trợ.

Khuyến khích các quốc gia phê chuẩn Bổ sung Daha như một phần của Nghị định thư Kyoto; yêu cầu các quốc gia phát triển cắt giảm phát thải mạnh mẽ hơn cho giai đoạn trước 2020 và triển khai việc đánh giá kỹ thuật, nhằm kiểm tra mức đóng góp hiện tại và tăng mức cắt giảm phát thải tại các quốc gia này cho giai đoạn 2015-2020. Đồng thời tăng mức giảm phát thải khí nhà kính thông qua các hình thức khác.

Phụ lục của “Hiệu triệu Lima cùng hành động vì khí hậu” là dự thảo nội dung các trụ cột cơ bản của Thoả thuận 2015, để các bên tiếp tục thảo luận, hoàn chỉnh trước tháng 5 năm 2015.

Bên cạnh đó, các quốc gia tham dự COP 20 còn thông qua Cơ chế quốc tế Warsaw về tổn thất và thiệt hại có liên quan đến biến đổi khí hậu nhằm triển khai quyết định của COP19 về cơ chế xử lý thiệt hại và tổn thất, trong đó xác định thành phần, cơ cấu của Ban điều hành thực hiện Cơ chế; Quyết định về Kế hoạch Thích ứng quốc gia áp dụng cho các nước chậm phát triển (khuyến khích các nước đang phát triển) thực hiện thông tin về việc xây dựng Kế hoạch Thích ứng quốc gia của mỗi nước; Các quyết định về tài chính liên quan đến báo cáo tài chính, tài chính dài hạn, báo cáo của Quỹ Môi trường toàn cầu.

Ngoài ra COP 20 còn thông qua một loạt các quyết định khác như quyết định về tổ chức các khóa đào tạo cho các chuyên gia đánh giá kỹ thuật về kiểm kê khí nhà kính; quyết định thông qua báo cáo của các ban kỹ thuật, ban khoa học công nghệ, các hướng dẫn liên quan đến Cơ chế phát triển sạch…

Ông Phạm Văn Tấn cũng nêu lên những điểm còn hạn chế của COP 20 như cam kết về tài chính quá thấp so với những gì đã hứa và so với kỳ vọng của các nước đang phát triển. Đến nay, các nước phát triển mới cam kết đóng góp cho Quỹ Khí hậu xanh được 10,2 tỷ USD đến năm 2015. Đây là con số thấp hơn nhiều so với 10 tỷ USD các nước này đóng góp mỗi năm cho giai đoạn 2010-2012, thấp hơn nhiều so với cam kết đóng góp nâng lên 100 tỷ USD/năm vào năm 2020 từ các nguồn tài chính công.

Nội dung đạt được tại Hội nghị chưa đáp ứng được kỳ vọng của thế giới trước tác động ngày càng rõ ràng và mạnh mẽ của biến đổi khí hậu. Thời hạn các nước cần hoàn thành thỏa thuận toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu vào tháng 12/2015, nhưng ngoài việc thống nhất được 5 thành tố cơ bản của Thỏa thuận là thích ứng; giảm nhẹ; tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ; tài chính và minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ, hình thức của Thỏa thuận vẫn chưa được thông qua.

Theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Đoàn đàm phán Việt Nam tham gia mạnh mẽ và chủ động, tích cực vào xây dựng thỏa thuận 2015 và các nội dung khác tại COP 20.

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam đã có bài phát biểu nêu rõ tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam, các cố gắng của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, đóng góp của Việt Nam cho ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và nêu các đề xuất định hướng cho thảo luận xây dựng khuôn khổ pháp lý toàn cầu về biến đổi khí hậu. Việt Nam đã chia sẻ các kinh nghiệm, bài học thực tiễn về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế tại các Diễn đàn bên lề Hội nghị.

Đặc biệt, tại COP 20, Việt Nam đã đệ trình Báo cáo Cập nhật 2 năm một lần (BUR) lần đầu tiên của Việt Nam lên Ban Thư ký Công ước khí hậu. Việt Nam là nước đang phát triển thứ 2 trên thế giới đệ trình BUR. Việc sớm trình BUR là minh chứng cụ thể, thiết thực về thực hiện cam kết của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục