Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trong công nghệ thông tin, truyền thông

Trong những năm qua, Việt Nam đã vươn lên, vượt nhiều cường quốc về công nghệ thông tin, đặc biệt một số lĩnh vực lọt top 10 thế giới.
Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trong công nghệ thông tin, truyền thông ảnh 1Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Chiều 14/10, tọa đàm với chủ đề "Why Việt Nam" (Tại sao Việt Nam) đã được tổ chức. Đây là sự kiện bên lề Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2021.

Theo ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam lớn hay nhỏ phải nhìn từ góc độ và các số liệu khách quan. Trên thế giới có nhiều nước diện tích lớn hơn nhưng Việt Nam có quy mô dân số lớn, có GDP xếp thứ 40 thế giới và đứng thứ 4 ASEAN.

Trong những năm qua, Việt Nam đã vươn lên vượt nhiều cường quốc về công nghệ thông tin, một số lĩnh vực lọt top 10 thế giới.

Về sản xuất, xuất khẩu điện thoại, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới, chiếm 13,3% thị phần năm 2019.

[Thủ tướng: Phát triển nền kinh tế số hợp tác, vì lợi ích của người dân]

Về xuất khẩu điện tử, Việt Nam xếp thứ 9 thế giới. Một lĩnh vực khác cũng đang phát triển mạnh thời gian gần đây là sản xuất game. Có thể thấy điều đó qua việc tựa game blockchain Axie Infinity đã trở thành hiện tượng nổi bật toàn cầu. Việt Nam hiện xếp thứ 6 thế giới trong lĩnh vực game.

Từ những điều này, nói một cách khách quan, Việt Nam đang lên mạnh mẽ trong công nghệ thông tin, truyền thông và đang có chiến lược để tiếp tục vươn lên hơn nữa.

Chuyển đổi số sẽ tạo ra một không gian mới với thị trường không có đường biên giới hạn. Trong số đó, Chính phủ là người đóng vai trò tiên phong, dẫn dắt.

Bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định nhận thức và quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam đã được thể hiện một cách mạnh mẽ và quyết liệt từ trung ương đến địa phương. Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột chính là chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Việt Nam sẽ chuyển đổi số trong 8 lĩnh vực, ngành nghề gồm: Y tế, giáo dục, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistic, năng lượng, tài nguyên môi trường và sản xuất công nghiệp.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhưng cũng vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Quan điểm chính của chương trình chuyển đổi số quốc gia là nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Người dân là trung tâm của chuyển đổi số. Thể chế là động lực của chuyển đổi số. Phát triển các nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả.

Nhận định về vai trò của công nghệ trong công nghệ trong phòng, chống đại dịch, phục hồi kinh tế và trong cuộc sống bình thường mới, ông Nguyễn Thanh Tuyên nêu rõ khi đại dịch bùng phát tại các tỉnh miền Nam, toàn bộ hoạt động của mọi người dân đều bị dừng lại một cách đột ngột. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, nhiều doanh nghiệp công nghệ số trong nước đã đưa ra các giải pháp để biến những điểu không thể thành có thể.

Người dân, doanh nghiệp giờ đây đã chuyển đổi mô hình kinh doanh, cách suy nghĩ, cách làm việc, cách sống để vừa đảm bảo an toàn, vừa duy trì phát triển.

Trong thời gian tới, các doanh nghiệp công nghệ số cần tiếp tục thực hiện một cách linh hoạt chung tay cùng đất nước phục hồi, phát triển kinh tế.

Cùng quan điểm, bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại, Lazada Việt Nam cho rằng công nghệ đang đóng vai trò ngày càng thiết yếu trong phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế. Thương mại điện tử giúp hạn chế tiếp xúc trực tiếp, người dân có thể ngồi nhà đặt hàng và chờ người mang đến tận nơi.

Việt Nam đang vươn lên mạnh mẽ trong công nghệ thông tin, truyền thông ảnh 2Bà Vũ Thị Minh Tú, Giám đốc đối ngoại của Lazada Việt Nam, tham gia thảo luận. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Đối với việc phục hồi kinh tế, thương mại điện tử giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ gia đình đa dạng hóa kênh bán hàng. Họ có thể bán hàng online và tiếp cận với thị trường mới rộng lớn, đa dạng hơn.

Đây là cách giúp các đối tượng này kinh doanh hiệu quả hơn để nhanh chóng phục hồi, phát triển kinh tế hậu đại dịch.

Những hộ gia đình và cá nhân có nhu cầu buôn bán nhỏ lẻ cũng sẽ có cơ hội nhờ thương mại điện tử. Đây là thế mạnh mà công nghệ và thương mại điện tử có thể tham gia đóng góp cho công cuộc phòng chống dịch bệnh, phục hồi kinh tế và cả trong cuộc sống bình thường mới.

Cũng tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp đã thảo luận về vai trò của Việt Nam trong ngành công nghệ và chuỗi cung ứng toàn cầu; các chính sách về thương mại điện tử Việt Nam cần quan tâm để tham gia sâu hơn vào quá trình toàn cầu hóa; nhận định về năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp Việt Nam so với thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục