Việt Nam đề cao huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển bền vững

Đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn thường niên về Tài chính cho phát triển năm 2024 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).

Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Đại biện lâm thời Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)
Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Đại biện lâm thời Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Từ ngày 22-25/4, tại trụ sở Liên hợp quốc ở thành phố New York (Mỹ) đã diễn ra Diễn đàn thường niên về Tài chính cho phát triển năm 2024 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC).

Theo phóng viên TTXVN tại New York, chủ đề chính của Diễn đàn năm nay là tìm kiếm giải pháp huy động tài chính để thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) và chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao lần thứ 4 về Tài chính cho phát triển năm 2025 tại Tây Ban Nha.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm, tham dự của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Dennis Francis, lãnh đạo của một số tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)… cùng nhiều bộ trưởng, quan chức cao cấp và đại diện của các quốc gia thành viên.

Thay mặt đoàn Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn, Công sứ Nguyễn Hoàng Nguyên, Đại biện lâm thời Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác Bắc-Nam, hợp tác Nam-Nam, các mô hình hợp tác ba bên và bốn bên nhằm chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và nguồn vốn cho các nước phương Nam triển khai Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.

Đại diện Việt Nam kêu gọi các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết dành 0,7% Tổng thu nhập quốc dân (GNI) cho nguồn vốn ODA và đóng góp 100 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu; khẳng định nguồn vốn nhà nước và nguồn lực tư nhân cùng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu tài chính cho phát triển và thực hiện SDG.

Đồng tình với các đánh giá của đoàn Việt Nam, các đại biểu tham dự Diễn đàn nhận định năm 2024 là thời điểm hết sức quan trọng để triển khai mạnh mẽ các biện pháp hướng tới hoàn thành SDG vào năm 2030.

Sau 4 ngày thảo luận sôi nổi, các nước đã nhất trí thông qua văn kiện kết quả của Diễn đàn, trong đó khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực huy động nguồn tài chính cho phát triển, khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thuế, quản lý nợ và tận dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững.

Việt Nam đã công bố Báo cáo Đánh giá tự nguyện quốc gia (VNR) vào năm 2023 và đang thực hiện Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu đến năm 2030, qua đó khẳng định nỗ lực và quyết tâm huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển bền vững.

Năm 2025, Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác về tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) lần thứ 4 nhằm thúc đẩy các nỗ lực toàn cầu về chuyển đổi xanh và phát triển bền vững./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.