Việt Nam đóng vai trò xúc tác thúc đẩy các nước ASEAN gia nhập OECD

Ông Kenichi bày tỏ tin tưởng rằng thông qua việc tăng cường hợp tác với OECD, Việt Nam sẽ đóng vai trò là quốc gia xúc tác cho các nước ASEAN khác trong tiến trình này.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 8/3, Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về Chương trình Đông Nam Á (SEARP) với chủ đề “ASEAN bao trùm” đã diễn ra tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản.

Tham dự hội nghị có Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, cùng nhiều quan chức cấp cao của các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và OECD. Phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu.

Phát biểu tại hội nghị, Ngoại trưởng Kono nhấn mạnh OECD đã hợp tác với các nước ASEAN từ cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước và năm 2007 xác định ASEAN là một khu vực trong “quan tâm ưu tiên chiến lược.”

Chính vì vậy, SEARP được thành lập đã mở ra trang mới cho lịch sử mở rộng ra toàn cầu của OECD. Thông qua cơ chế này, OECD đã hỗ trợ các ưu tiên của ASEAN, cũng như các nỗ lực hội nhập khu vực.

Ngoại trưởng Kono đánh giá SEARP đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên dưới nhiệm kỳ đồng chủ tịch của Nhật Bản và Indonesia. Ngoại trưởng Kono cho rằng Đông Nam Á là một trong những khu vực năng động nhất của thế giới với dân số hơn 600 triệu người và tốc độ tăng trưởng trung bình trên 5% trong 15 năm qua.

Ông hy vọng hội nghị lần này sẽ thảo luận cách thức tiến tới một ASEAN bao trùm hơn, tạo ra nhiều sự phối hợp hơn giữa SEARP với ASEAN.

[OECD tìm cách đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ]

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn nhận định Chương trình Đông Nam Á được OECD khởi động năm 2014 nhằm hỗ trợ các nước ASEAN thúc đẩy cải cách kinh tế và hội nhập, đến nay đã kết thúc giai đoạn đầu với nhiều kết quả tích cực.

OECD đã chia sẻ kinh nghiệm, tri thức và tư vấn chính sách cho các nước ASEAN trong các lĩnh vực như đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, giáo dục-đào tạo...

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: Hồng Hà/Vietnam+)

Việt Nam đề nghị ASEAN tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hội nhập kinh tế thông qua các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực, cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy khu vực tư nhân tham gia phát triển cơ sở hạ tầng; tăng cường kết nối số, đầu tư đào tạo kỹ năng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để tranh thủ hiệu quả các cơ hội và lợi ích của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Việt Nam kêu gọi các nước tăng cường hợp tác để tranh thủ các cơ hội, giảm thiểu các thách thức của di chuyển lao động có kỹ năng trong ASEAN, thúc đẩy bình đẳng giới, tiến bộ của phụ nữ thông qua tạo thuận lợi hơn cho phụ nữ tiếp cận giáo dục, đào tạo, việc làm và các nguồn lực xã hội.

Quan chức cấp cao phụ trách OECD của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, ông Masamoto Kenichi cho rằng Đông Nam Á, với tư cách là trung tâm tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, không thể vắng mặt trong kết cấu của OECD nhằm duy trì tính chất một tổ chức quốc tế hoạt động hiệu quả, hợp pháp và có tính tương tác.

Vì lý do này vào năm 2007, OECD đã xác định Đông Nam Á là khu vực trong chính sách Ưu tiên chiến lược nhằm xác định những quốc gia có tiềm năng trở thành thành viên OECD và năm 2014 đã khởi động Chương trình khu vực Đông Nam Á.

Đề cập đến vai trò Việt Nam trong tiến trình này, ông Kenichi cho rằng sự quan tâm của ASEAN dành cho OECD đang tăng lên, trong đó có Việt Nam.

Ông bày tỏ tin tưởng rằng thông qua việc tăng cường hợp tác với OECD, Việt Nam sẽ đóng vai trò là quốc gia xúc tác cho các nước ASEAN khác trong tiến trình này.

Trong khuôn khổ chủ đề “ASEAN bao trùm,” hội nghị đã thảo luận những thách thức và cơ hội chính sách xuất phát từ quá trình hội nhập kinh tế và phát triển bền vững và bao trùm tại Đông Nam Á, với trọng tâm là “sự bao trùm thông qua kết nối” và “sự bao trùm thông qua gia nhập.”

Hội nghị nhấn mạnh vai trò quan trọng của SEARP trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hội nhập khu vực của ASEAN, hỗ trợ các ưu tiên cải cách trong nước của các nước thành viên, các ưu tiên do ASEAN xác lập và đưa các nước xích lại gần hơn với OECD.

Hội nghị khẳng định tầm quan trọng chiến lược của sự kết nối giữa OECD với ASEAN thông qua SEARP và công nhận những tiến bộ rõ ràng mà SEARP đạt được trong nhiệm kỳ đồng chủ tịch của Nhật Bản và Indonesia.

Tại hội nghị lần này, Thái Lan và Hàn Quốc đã tiếp quản vị trí đồng chủ tịch SEARP nhiệm kỳ 2018-2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục