Ngày 28/3, Diễn đàn và Triển lãm Quốc tế về hợp tác bảo vệ môi trường quốc tế năm 2024 (MIECF 2024) đã khai mạc tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Vienetian thuộc Khu hành chính Đặc biệt Macau (Trung Quốc).
Sự kiện có sự tham dự của hơn 400 đơn vị đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Việt Nam tham dự triển lãm trong đội hình của các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Theo phóng viên TTXVN đưa tin từ Macau, phát biểu tại lễ khai mạc MIECF 2024, Cục trưởng Cục Bảo vệ Môi trường Macau Đàm Vĩ Văn nhấn mạnh Trung Quốc năm 2020 đã đề ra mục tiêu “carbon kép” là đạt đỉnh carbon vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060. Do đó, MIECF 2024 đã lấy chủ đề là “Thúc đẩy chuyển đổi xanh, phấn đấu đạt được mục tiêu carbon kép” để vừa bám sát định hướng trong chính sách bảo vệ môi trường của Trung Quốc vừa phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" của cộng đồng quốc tế.
Theo giới thiệu, MIECF 2024 có quy mô khoảng 12.000m2 và được chia thành 560 gian trưng bày với các khu vực chính như khu trưng bày sản phẩm của khu vực đồng bằng sông châu Giang (nơi tập trung 9 thành phố lớn của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gồm Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Đông Quản, Trung Sơn, Phật Sơn, Quý Châu, Giang Môn và Triệu Khánh), khu trưng bày các sản phẩm bảo vệ môi trường của khu vực Vịnh lớn Hong Kong-Macau, khu trưng bày các hạng mục xanh, khu trưng bày các sản phẩm công nghiệp thông minh và khu trưng bày giao thông xanh.
Ngoài ra, một loạt các diễn đàn về phát triển xanh và bảo vệ môi trường cũng được tổ chức trong khuôn khổ MIECF 2024.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Vũ Thị Thúy, Trưởng đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hong Kong-Macau, cho biết cơ quan đại diện thương vụ đã mang đến MIECF 2024 một số thông tin, tài liệu và hình ảnh để quảng bá về công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế thương mại và du lịch của Việt Nam.
Mới đây nhất, Thủ trướng Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển Năng lượng Quốc gia Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định ưu tiên bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo đó, bà Vũ Thị Thúy tin tưởng rằng với các chính sách ưu tiên và môi trường hợp tác thuận lợi, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư quốc tế và khu vực với ngày càng nhiều các dự án hợp tác phát triển gắn với bảo vệ môi trường được ký kết giữa các bên.
Chủ tịch Công ty công nghệ thông tin Chu Hải, Quảng Đông (Trung Quốc), bà Tất Kiến Anh cho rằng trong quá trình phát triển hiện nay, bất kỳ quốc gia nào trên thế giới đều phải chú trọng và làm tốt công tác bảo vệ môi trường.
Bà Tất Kiến Anh khẳng định sẽ sang Việt Nam để vừa du lịch, tìm hiểu phong cảnh đất nước và con người Việt Nam, vừa tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển xanh và bảo vệ môi trường.
Ngoài việc trưng bày các hạng mục phát triển xanh và bảo vệ môi trường nói chung, MIECF 2024 còn giới thiệu một số sản phẩm bảo vệ môi trường mang tính ứng dụng cao, có thể sử dụng rộng rãi trong đời sống thường nhật mỗi người, trong đó có sản phẩm robot thu gom và phân loại rác mang tên “Em bé xanh” của các em học sinh lớp 11, Trường Trung học Bồi Chính, Macau (Trung Quốc).
Robot “Em bé xanh” có thể nhận biết được các loại rác thải khác nhau như giấy, túi nilon và thực vật (rau, củ, quả, đồ ăn) thải loại… sau đó tự phân loại và bỏ vào các thùng rác khác nhau theo quy định.
Đặc biệt, robot này còn có thể hoạt động được cả trong môi trường tự nhiên, tự di chuyển theo lập trình để thu gom và phân loại rác thải vứt bỏ không đúng chỗ.
MIECF là hoạt động thường niên được chính quyền Macau (Trung Quốc) tổ chức từ năm 2008 đến nay, sự kiện lần này diễn ra trong thời gian hai ngày và sẽ kết thúc vào ngày 30/3./.
Việt Nam nhận được khoản chi trả 51,5 triệu USD từ WB qua bán tín chỉ carbon
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương nhận được khoản thanh toán trị giá thu về 51,5 triệu USD (tương đương 1.200 tỷ đồng) khi bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng.