Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 25/11 đã tiến hành phiên họp trực tuyến định kỳ hàng tháng về tình hình tại Syria.
Phó Đặc Phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria Khawla Matar và Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về vấn đề nhân đạo Ramesh Rajasingham đã báo cáo Hội đồng Bảo an về tiến trình chính trị và tình hình nhân đạo tại Syria.
Tại đây, Việt Nam hoan nghênh các bên tiếp tục đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp nhằm mục tiêu tìm giải pháp lâu dài cho Syria.
Phó Đặc phái viên Matar cho biết Chính quyền Syria và phe đối lập mới đây đã có thống nhất về chương trình nghị sự và thời điểm tiếp tục tiến hành đàm phán trong khuôn khổ Ủy ban Hiến pháp sau một thời gian chưa đạt được nhất trí kể từ vòng đàm phán thứ ba vào cuối tháng 8/2020.
Theo đó, vòng đàm phán thứ tư về chủ đề các nguyên tắc quốc gia sẽ được tiến hành trong tuần đầu tiên của tháng 12/2020 và vòng thứ năm về chủ đề các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp dự kiến được tiến hành trong tháng 1/2021.
Các cuộc họp sẽ tiếp tục được tổ chức trực tiếp tại Geneva, Thụy Sỹ với các quy định y tế chặt chẽ nhằm bảo đảm sức khỏe cho đại biểu trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại đây.
Về tình hình nhân đạo, Trợ lý Tổng Thư ký Rajasingham cho biết tình hình không có cải thiện trong tháng vừa qua và nhu cầu hỗ trợ nhân đạo tiếp tục đặc biệt cao. Ông tỏ lo ngại về tình hình nhân đạo trong mùa đông sắp tới trước bối cảnh tình trạng mất an ninh lương thực, thiếu hàng hóa cơ bản vẫn ở mức nghiêm trọng, hiện có tới 6,7 triệu người Syria đang mất nơi cư trú và một phần ba trong số đó không có nơi trú ngụ đầy đủ điều kiện.
[Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện cam kết trợ giúp Iraq]
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc khuyến nghị cần duy trì đối thoại mang tính xây dựng nhằm mục tiêu tìm giải pháp lâu dài cho tình hình tại Syria.
Đại sứ tái khẳng định giải pháp duy nhất cho khủng hoảng tại Syria là giải pháp chính trị, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Về tình hình nhân đạo, Đại sứ cho rằng cần có sự quan tâm đặc biệt để giải quyết ba nhu cầu cấp thiết, trong đó có tăng cường năng lực nhằm ứng phó diễn biến phức tạp của COVID-19, tập trung giải quyết thách thức an ninh lương thực và chuẩn bị cho nhu cầu nhân đạo tăng đột biến vào mùa đông sắp tới.
Định kỳ hàng tháng, Hội đồng Bảo an tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hoá học.
Bất ổn và xung đột tại Syria hiện đã bước sang năm thứ 10, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm ngàn thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú và tị nạn./.