Đoàn công tác Việt Nam gồm các cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện các cơ quan liên quan như Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính do bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học làm trưởng đoàn, đã có chuyến đi học tập kinh nghiệm về quản trị và tự chủ đại học tại Australia từ 19-26/5 vừa qua.
Chuyến đi học tập kinh nghiệm này nằm trong khuôn khổ chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam-Australia giai đoạn 2016-2020 Aus4skills từ nguồn tại trợ của Chính phủ Australia.
Tham gia đoàn còn có Hiệu trường hai trường đại học Kinh tế Quốc dân và Nông lâm Thái Nguyên cùng cán bộ phụ trách Văn phòng Giáo dục, Đại sứ quán Việt Nam tại Australia.
Ngày 20/5 vừa qua, đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia tại thủ đô Canberra để tìm hiểu về giáo dục đại học ở Australia, các vấn đề quản trị, đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học và vai trò của Bộ cũng như các cơ quan chính phủ khác tham gia vào quá trình quản lý giáo dục đại học gồm Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục Đại học (TESQA), Cơ quan Đảm bảo Chất lượng Kỹ năng (ASQA) và Hội đồng Nghiên cứu (ARC).
Bộ Giáo dục và Đào tạo Australia cho biết cơ quan này có trách nhiệm nghiên cứu và phát triển các chính sách và chương trình nhằm hỗ trợ tiếp giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục quốc tế và nghiên cứu học thuật, chứ không trực tiếp điều hành hoặc quản lý cơ sở giáo dục hoặc trường đại học.
Trừ Đại học Quốc gia Australia (ANU) chịu sự quản lý của chính phủ liên bang, các trường đai học ở Australia được thành lập dựa trên luật của tiểu bang và lãnh thổ.
Làm việc với Hiệp hội các trường đại học Australia, đoàn đã tìm hiểu về vai trò của Hiệp hội với tư cách là một tổ chức đại diện cho tiếng nói của 39 trường đại học ở Australia trong viêc xây dựng các chính sách về giáo dục của chính phủ cũng như các cơ quan quản lý giáo dục khác.
Ngày 21/5 vừa qua, đoàn đã tới thăm trường Đại học Quốc gia Australia (ANU) để khảo sát về vấn đề quản trị đại học. Tại đây, đoàn đã được nghe đại diện trường ANU giới thiệu về cấu trúc và tiến trình quản trị đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn học thuật tại trường.
Các thành viên trong đoàn đã tham gia thảo luận để làm rõ về mô hình tự chủ tại một trường đại học thuộc liên bang mối quan hệ giữa Hội đồng trường và với bộ máy máy quản lý nhà trường để đảm bảo tính khách quan và hiêu quả trong quản lý.
Ngày 22, 23 và 25/5 vừa qua, tại thành phố Melbourne, bang Victoria, đoàn đã có các buổi làm việc và thảo luận với các giáo sư từ trường Đại học Melbourne, Đại học RMIT và một số trường đại học khác về vấn đề tự chủ, cấu trúc và tiến trình quản trị tại các trường đại học thuộc tiểu bang và mối quan hệ giữa các trường và các tổ chức quản lý có liên quan như Hiệp hội giáo dục đại học, Hiệp hội quản lý cơ sở vật chất giáo dục.
Cơ quan quản lý cuối cùng mà đoàn tới học tập kinh nghiệm là Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng giáo dục đại học Australia (TESQA) với chức năng chính là hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học đăng ký kiểm định và kiểm định các chương trình và khóa học cho các cơ sở giáo dục không tự kiểm định.
Qua trao đổi, các thành viên được biết TESQA là cơ quan chính phủ độc lập với Bộ Giáo dục và Đào tạo liên bang, chịu trách nhiệm kiểm soát và đánh giá chất lượng giáo dục cho các trường đại học của Australia. Nhiệm vụ của TEQSA là nâng cao vị thế và chất lượng của các trường đại học của Australia trên phạm vi quốc tế, cũng như đảm bảo chất lượng tương đồng về đầu ra giữa các trường từ trung ương đến địa phương.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Trưởng đoàn công tác, những kiến thức và kinh nghiệm thu được từ chuyến là hết sức hữu ích cho cho quá trình soạn thảo và ban hành các quy định hướng dẫn Luật giáo dục đại học sửa đổi năm 2018, trong đó có một nội dung quan trọng là mở rộng quyền tự chủ cho các trường đại học trong cả lĩnh vực học thuật, tổ chức nhân sự, tài chính.
Những thông tin hữu ích từ chuyến công tác sẽ được các đại biểu nghiên cứu, tiếp thu và trình bày tại một cuộc hội thảo vào ngày 15/6 tới, tại Hà Nội và sẽ được đưa ra tham khảo để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện tự chủ của các trường đại học của Việt Nam từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước cũng như lãnh đạo trường đại học./.