Ngày12/11, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thảo luận về hoạt động của Lực lượng Chung chống khủng bố giữa năm nước khu vực Sahel (G5 Sahel).
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Jean-Pierre Lacroix, các đại diện quốc gia của năm nước G5 Sahel và đại diện tổ chức chính trị tại Burkina Faso đã báo cáo, cập nhật về tình hình khu vực Sahel tại cuộc họp.
Tại đây, Việt Nam kêu gọi các bên cùng nỗ lực, đoàn kết chống khủng bố và nhấn mạnh cần có cách tiếp cận toàn diện cho các quốc gia Sahel nhằm giải quyết tận gốc các nguyên nhân của khủng bố.
Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các báo cáo viên bày tỏ quan ngại về tình hình an ninh và nhân đạo khu vực Sahel thời gian qua. Các thách thức như khủng bố, bạo lực, xung đột giữa các cộng đồng, tội phạm xuyên quốc gia, mất an ninh lương thực, người dân bị buộc rời khỏi nơi cư trú, tác động của biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 ngày càng gia tăng.
Các báo cáo viên đánh giá cao các nỗ lực chống khủng bố của Lực lượng G5 Sahel và hoan nghênh sự hỗ trợ của các lực lượng khác như Phái bộ Liên hợp quốc tại Mali (MINUSMA), Liên minh châu Phi (AU), Văn phòng Liên hợp quốc về Tây Phi và Sahel (UNOWAS) và Liên minh châu Âu (EU) cho Lực lượng G5 Sahel.
Về các biện pháp cần triển khai trong thời gian tới, các báo cáo viên nhấn mạnh cách tiếp cận toàn diện kết hợp các nội dung kinh tế, phát triển và nhân đạo trong giải quyết các thách thức nêu trên, kêu gọi hỗ trợ tài chính bền vững, lâu dài cho lực lượng G5 Sahel. Một số ý kiến ủng hộ thành lập một Văn phòng Liên hợp quốc hỗ trợ G5 Sahel chống khủng bố.
[Mỹ khẳng định tiếp tục ủng hộ sứ mệnh chống khủng bố của Pháp ở Sahel]
Các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đánh giá cao vai trò chống khủng bố của Lực lượng G5 Sahel và nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp và hỗ trợ lực lượng này. Các nước bày tỏ lo ngại về tình hình an ninh xấu đi và những thách thức mà các báo cáo viên đã nêu.
Các ý kiến kêu gọi thực hiện nghiêm túc các luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế, trong đó có truy cứu trách nhiệm, bảo vệ dân thường, đặc biệt là bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Các nước ủy viên Hội đồng Bảo an ghi nhận đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc thành lập cơ chế hỗ trợ của Liên hợp quốc đối với Lực lượng G5 Sahel.
Phát biểu tại cuộc họp, Tham tán Công sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ với những quan ngại về các thách thức an ninh, phát triển và nhân đạo tại khu vực Sahel.
Về những diễn biến chính trị vừa qua tại khu vực, đại diện Việt Nam kêu gọi tất cả các bên có lợi ích ở khu vực, đặc biệt là ở Mali và Niger, kiềm chế tối đa, thúc đẩy hòa hợp dân tộc thông qua đối thoại và tham vấn.
Đại diện Việt Nam nhấn mạnh cần có sự hỗ trợ về nguồn lực phù hợp để Lực lượng G5 Sahel thực hiện được các nhiệm vụ của mình.
Các nước trong khu vực Sahel gồm Burkina Faso, Chad, Mali, Mauritania và Niger./.