Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 9/6 đã tiến hành họp công khai về tình hình Sudan với sự tham dự của bà Fatou Bensouda, Công tố viên Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) và Đại biên lâm thời Sudan tại Liên hợp quốc.
Phát biểu tại phiên họp, các nước thành viên Hội đồng Bảo an ghi nhận những tiến triển tích cực về chính trị và an ninh tại Sudan kể từ đầu năm 2021 đến nay song cũng chia sẻ quan ngại về các thách thức ở quốc gia này, đặc biệt là khủng hoảng kinh tế, nhân đạo và tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng tại khu vực Darfur.
Các nước kêu gọi Chính phủ Sudan và Phái bộ Hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc tại Sudan (UNITAMS) tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp tại đây.
Một số nước thành viên Hội đồng Bảo an bày tỏ hoan nghênh và ủng hộ hoạt động của ICC trên cơ sở Nghị quyết 1593 (2005) của Hội đồng Bảo an, cảm ơn các nỗ lực của Công tố viên Fatou Bensouda, người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối tháng 6/2021, và kêu gọi Chính phủ Sudan hợp tác đầy đủ với ICC.
Đại biện lâm thời Sudan tại Liên hợp quốc khẳng định Chính phủ chuyển tiếp của Sudan sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp cũng như bảo đảm trách nhiệm bảo vệ thường dân ở nước này.
[Việt Nam đề cao đối thoại, giải quyết thách thức khủng bố ở Trung Phi]
Đại diện Sudan nhấn mạnh việc bảo đảm công lý tại Darfur là một trong những ưu tiên cao nhất của Chính phủ Sudan và khẳng định các cơ quan chức năng của Sudan có đầy đủ năng lực tư pháp để xử lý các hành vi vi phạm luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, trong đó đã và đang tiến hành truy tố, xét xử một số cá nhân liên quan đến các vi phạm ở Darfur.
Đại biện lâm thời Sudan cũng cho biết Chính phủ Sudan mới đây đã ký Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với ICC về hợp tác điều tra đối với một số cá nhân liên quan và đồng ý cho đại diện ICC tới thăm khu vực Darfur.
Trong khi đó, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc hoan nghênh những tiến triển tích cực gần đây ở Sudan và mong muốn Chính phủ Sudan tiếp tục thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp, trong đó bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa của phụ nữ phù hợp với Thỏa thuận Hòa bình ngày 03/10/2020.
Đại sứ ghi nhận tình hình Sudan còn nhiều khó khăn, nhất là các thách thức về kinh tế, nhân đạo và tình trạng bạo lực giữa các cộng đồng ở Darfur.
Đại sứ kêu gọi Chính phủ Sudan tăng cường năng lực bảo vệ thường dân và triển khai các biện pháp nhằm giải quyết vấn đề bạo lực giữa các cộng đồng ở Darfur.
Đại sứ cũng nhấn mạnh quốc gia này cần có trách nhiệm hàng đầu trong việc bảo đảm tuân thủ luật nhân đạo quốc tế, ngăn ngừa và trừng trị các loại tội phạm hình sự nghiêm trọng.
Đại sứ cho rằng việc truy cứu trách nhiệm vi phạm luật nhân đạo quốc tế, tội phạm hình sự nghiêm trọng cần được tiến hành phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có vấn đề tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia.
Tình hình Sudan kể từ đầu năm 2021 đến nay tiếp tục có một số tiến triển quan trọng, đặc biệt là việc nội các mới của Chính phủ Sudan được thành lập với sự tham gia của đại diện một số nhóm vũ trang ở Darfur.
Theo Thỏa thuận Hòa bình Juba ngày 03/10/2020, tiến trình chuyển tiếp ở Sudan sẽ diễn ra trong 39 tháng.
Ngày 3/6/2021, Hội đồng Bảo an nhất trí thông qua Nghị quyết 2524 gia hạn nhiệm vụ của Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc ở Sudan (UNITAMS) nhằm hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan.
Ngoài ra, theo Nghị quyết 1593 (năm 2005), Hội đồng Bảo an đề nghị Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) báo cáo Hội đồng Bảo an định kỳ 6 tháng/lần về các hành vi được cho là phạm tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh liên quan đến khu vực Darfur./.