Ngày 10/7, tại trung tâm công nghệ của trường Đại học Cornell ở New York, (Mỹ) Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) kết hợp với trường Cornell và Học viện Kinh doanh INSEAD (Pháp) đã công bố Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2018 (gọi tắt là GII 2018).
Việt Nam đã tiếp tục cải thiện vị trí trong xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, tăng 2 bậc lên vị trí 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng.
Trong nhóm 30 nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam xếp vị trí thứ hai sau Ukraine. Việt Nam cũng được đánh giá là nền kinh tế có thành tích nổi bật trong việc biến đầu tư cho đổi mới thành những kết quả cụ thể.
[Việt Nam tăng 2 bậc trong bảng Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu 2018]
Trao đổi với phóng viên TTXVN bên lề sự kiện công bố GII 2018, ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO tham gia nhóm nghiên cứu GII, cho biết trong các ấn bản gần đây nhất của GII, Việt Nam nổi lên như một quốc gia có hiệu quả đặc biệt về đổi mới sáng tạo, trở thành hình mẫu về đổi mới công nghệ cho nhóm các nước thu nhập trung bình thấp noi theo.
Theo ông Sacha, Việt Nam là quốc gia duy nhất có sự chỉ đạo từ cấp thủ tướng với một nghị quyết thành lập nhóm chuyên viên đặc biệt tập hợp nhiều bộ ban ngành khác nhau để cùng thúc đẩy những chính sách nhằm cải thiện được vị trí trong xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Ông Sacha lưu ý rằng một số nền kinh tế đang phạm phải sai lầm nghiêm trọng, đó là không theo đuổi một cách liên tục chương trình nghị sự về đổi mới sáng tạo. Ông khuyến nghị Việt Nam tránh vết xe đổ này, kiên định với những chính sách, những kế hoạch mà Thủ tướng chính phủ đã đề ra để thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Ông cũng khuyến nghị Việt Nam không nên mắc phải một sai lầm khác của nhiều quốc gia, đó là đề ra những mục tiêu quá to tát như là xây dựng Thung lũng Silicon hay phấn đấu trở thành một quốc gia hiện đại nào đó.
Thay vào đó, Việt Nam nên chú trọng vào những sức mạnh nội tại đặc biệt của mình, như là trong lĩnh vực sản xuất và chế biến thực phẩm, công nghệ thông tin, để từ đó xem xét cách thức để tăng khả năng đổi mới ở trong nước, bên cạnh việc tiếp thu những công nghệ mới từ bên ngoài.
Nhận xét về xếp hạng của Việt Nam trong bản GII 2018, ông Lê Thanh Bình, tham tán khoa học công nghệ của Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, cho biết có 4 điểm đáng chú ý: Việt Nam đã cải thiện được 14 bậc so với xếp hạng năm 2016; Việt Nam có điểm số cao trong cả 7 trụ cột của GII, các điểm số này đều cao hơn mức trung bình của nhóm các nước thu nhập trung bình thấp; tính hiệu quả của nỗ lực đổi mới của Việt Nam thể hiện qua cả chỉ số đầu vào và chỉ số đầu ra; trong 5 năm gần đây, thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng GII có xu hướng được cải thiện trên mọi khía cạnh.
Trong bản xếp hạng GII 2018, Thụy Sĩ tiếp tục là nước sáng tạo nhất thế giới, tiếp theo là Hà Lan, Thụy Điển, Anh, Singapore, Mỹ, Đan Mạch. Đức và Ailen.
Trong nhóm 20 nước dẫn đầu bản xếp hạng GII 2018, Israel và Trung Quốc là hai quốc gia có bước tiến nhảy vọt - Israel tăng 7 hạng lên vị trí số 11 còn Trung Quốc tăng 5 hạng, xếp vị trí thứ 17, đánh dấu mốc lần đầu tiên lọt vào nhóm 20 này.
Đây là lần thứ 11 liên tiếp, Báo cáo Chỉ số GII được công bố. Mục đích của Chỉ số GII là đưa ra các đánh giá về trình độ đổi mới sáng tạo của mỗi quốc gia một cách toàn diện nhất. GII bao gồm nhiều tiểu chỉ số/tiêu chí.
GII 2018 được tổng hợp từ các tiểu chỉ số này được phân chia theo 7 trụ cột. Trong đó 5 trụ cột đầu tiên thuộc “Nhóm tiểu chỉ số đầu vào của đổi mới sáng tạo” (gồm: Thể chế/tổ chức, Nguồn nhân lực và nghiên cứu, Cơ sở hạ tầng, Trình độ phát triển của thị trường, Trình độ phát triển kinh doanh) và 2 trụ cột sau cùng thuộc “Nhóm tiểu chỉ số đầu ra của đổi mới sáng tạo” (gồm: Đầu ra của tri thức và công nghệ và Đầu ra sáng tạo).
Chủ đề của GII 2018 "Tiếp sinh lực cho Thế giới bằng sự Đổi mới" xem xét những thách thức cũng như cơ hội đối với việc thúc đẩy những hệ sinh thái đổi mới lành mạnh tại khu vực năng lượng. Báo cáo nêu bật sự cần thiết phải mở rộng các công nghệ xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu và sự gia tăng nhu cầu năng lượng trên thế giới.
Báo cáo đưa ra kết luận rằng "tới năm 2040, thế giới sẽ cần thêm tới 30% năng lượng so với mức nhu cầu hiện nay trong khi những cách tiếp cận thông thường để mở rộng nguồn cung năng lượng không còn khả thi trong bối cảnh biến đổi khí hậu"./.