Asiancorrespondent.com dẫn nguồn tin từ trang mạng của Asia Correspondent ngày 9/2 đăng tải bài viết cho rằng dường như Việt Nam là nơi tốt nhất để trở thành một "Thung lũng Silicon" ở khu vực Đông Nam Á, trong bối cảnh phần lớn các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đều có tham vọng phát triển ngành công nghệ mang tính cạnh tranh này.
Theo bài viết, triển vọng trên của Việt Nam có được là nhờ các chính sách giáo dục thành công trong thời gian qua, sự hỗ trợ của chính phủ và một môi trường thuận lợi cho giới doanh nghiệp.
Một ví dụ của việc Việt Nam cũng đang hưởng lợi từ các chính sách của chính phủ nhằm đưa đất nước trở thành một trung tâm công nghệ và sáng tạo trong khu vực là Dự án Thung Lũng Silicon đầy tham vọng, do Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam tài trợ, nhằm đưa đất nước trở thành một "người chơi" lớn trong nền kinh tế số.
Minh chứng cho luận điểm đầu tiên của mình, tác giả dẫn câu chuyện về chuyến thăm Việt Nam năm 2016 của Giám đốc Điều hành Google, ông Sundar Picha, với cam kết rằng Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất của Google, đồng thời cam kết sẽ sớm đào tạo 1.400 kỹ sư công nghệ thông tin cho Việt Nam.
Theo bài viết, sức hấp dẫn của Việt Nam được hỗ trợ bởi lực lượng lao động hiểu biết về lĩnh vực công nghệ, vốn có chi phí rẻ hơn lực lượng tương tự của Trung Quốc mà lại làm việc có năng suất hơn các nước khác trong AEC.
Ban đầu, Việt Nam nổi lên là một trung tâm sản xuất cho các hãng điện tử của Nhật Bản và Hàn Quốc như Samsung, LG Electronics, Panasonic và Toshiba - vốn là những hãng có nhà máy tại Việt Nam từ hàng chục năm qua.
Tuy nhiên, hiện nay trọng tâm là việc chuyển đổi từ vị thế của một nhà sản xuất hàng đầu các thiết bị điện tử trở thành một trung tâm nghiên cứu, sáng chế và phát triển./.