Việt Nam quan ngại về tình hình phức tạp tại Bosnia-Herzegovina

Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ cho rằng cần tôn trọng lợi ích và mong muốn của người dân, vì ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của Bosnia-Herzegovina.
Việt Nam quan ngại về tình hình phức tạp tại Bosnia-Herzegovina ảnh 1Đại sứ Phạm Hải Anh. (Ảnh: Hải Vân/Vietnam+)

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 3/11, các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại về các thách thức mà Bosnia-Herzegovina đang phải đối mặt trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị và thực hiện Hiệp định Dayton năm 1995, trong đó có các bất đồng giữa các cộng đồng, tại phiên thảo luận về quốc gia này.

Hội đồng Bảo an khẳng định ủng hộ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Bosnia-Herzegovina, nhưng các nước cũng có ý kiến khác nhau liên quan đến vai trò của Đại diện cấp cao về Bosnia-Herzegovina.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Phạm Hải Anh, Phó Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc chia sẻ quan ngại về tình hình phức tạp tiếp tục diễn ra tại Bosnia-Herzegovina, trong đó có sự căng thẳng giữa các cộng đồng, việc thiếu lòng tin, đối thoại, hòa giải có nguy cơ tạo ra các thách thức to lớn và lâu dài.

[Việt Nam ủng hộ nỗ lực hòa giải, phát triển kinh tế Bosnia-Herzegovina]

Trong bối cảnh đó, Đại sứ Phạm Hải Anh cho rằng cần tôn trọng lợi ích và mong muốn của người dân, vì ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội của Bosnia-Herzegovina cũng như của khu vực.

Đại sứ cũng kêu gọi các bên liên quan tại Bosnia-Herzegovina nỗ lực vượt qua những khác biệt, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa bình và hòa giải, đối thoại vì lợi ích của người dân, đồng thời nhấn mạnh cần tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Bosnia-Herzegovina, với sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế.

Trước phiên thảo luận, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua Nghị quyết 2604 về Lực lượng châu Âu tại Bosnia-Herzegovina (EUFOR ALTHEA) với 15 phiếu thuận, theo đó lực lượng này được gia hạn hoạt động thêm 12 tháng nhằm hỗ trợ duy trì hòa bình và an ninh tại quốc gia này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.