Việt Nam sẽ góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới

Chiều 16/12, tại buổi họp báo công bố kết quả “Hội nghị và hoạt động của Việt Nam tại COP21," đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam sẽ góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới.
Việt Nam sẽ góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại buổi họp báo công bố kết quả “Hội nghị và hoạt động của Việt Nam tại COP21” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức chiều 16/12, tại Hà Nội, ông Phạm Văn Tấn - Phó cục trưởng Cục khí tượng Thủy văn và biến đổi khí hậu, Phó trưởng đoàn đàm phán về biến đổi khí hậu cho biết, Việt Nam sẽ góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh thế giới giai đoạn 2016- 2020.

Trong khuôn khổ COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đưa ra cam kết “Việt Nam sẽ thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.”

Thỏa thuận Paris được thông qua tại COP21 đã đưa ra được nhiều thỏa thuận quan trọng. Ngoài việc đặt ra mức tăng nhiệt độ của trái đất đến năm 2100 thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và cố gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C; Thỏa thuận còn đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát.

Theo Thứ trưởng Trần Hồng Hà, đến với COP 21 lần này, Việt Nam nhấn mạnh 3 quan điểm chính mà Việt Nam sẽ đóng góp tại COP 21, xoay quanh vấn đề đảm bảo công bằng và làm rõ trách nhiệm các bên.

Việt Nam cho rằng, Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tiếp tục là cơ sở cho các hành động ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu. Thỏa thuận toàn cầu về ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn sau 2020 phải góp phần tăng cường hơn nữa việc thực hiện Công ước dựa trên các nguyên tắc của Công ước, trong đó, có nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có phân biệt”.

Ngoài ra, Thỏa thuận cần phải đạt được sự cân bằng giữa các trụ cột: Giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, phát triển và chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực và minh bạch giữa các hành động và hỗ trợ như đã được các bên thống nhất tại Durban, Nam Phi năm 2011.

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, đại diện Việt Nam cho rằng, cần có nỗ lực lớn và tham gia tích cực của tất cả các nước. Các nước phát triển phải đi đầu trong giảm phát thải khí nhà kính, hỗ trợ tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển thực hiện các hành động thích ứng, giảm nhẹ; cần thực hiện nghĩa vụ của mình ngay từ giai đoạn trước năm 2020 để tránh tạo ra khoảng trống, góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu. 

Thứ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, tại COP21, Việt Nam đã tổ chức chuỗi sự kiện bên lề về Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu với mục tiêu: Giới thiệu những thách thức và cơ hội do biến đổi khí hậu mang đến; đưa ra các sáng kiến, hoạt động và tiềm năng trong hợp tác song phương và đa phương; các nỗ lực và hành động ứng phó với biến đổi khí hậu; giới thiệu tiềm năng thực hiện tăng trưởng xanh, phát thải các bon thấp tại Việt Nam.

Tham gia COP21, thêm một lần nữa, Việt Nam khẳng định quyết tâm cùng cộng đồng thế giới ứng phó với thách thức biến đổi khí hậu, đồng thời thể hiện những quan điểm về tính công bằng, trách nhiệm trong "cuộc chiến" chống thảm họa thiên tai này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục