Từ ngày 26-30/6, Đoàn Công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ do ông Lý Hoàng Tùng - Vụ trưởng Vụ Quan hệ Quốc tế làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Bỉ và Luxembourg, nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học công nghệ.
Tại Bỉ, đoàn đã tiến hành họp Ủy ban Hỗn hợp Nghiên cứu và Phát triển khoa học Bỉ-Việt lần thứ 6 với Cơ quan Chính sách Khoa học Bỉ (BELSPO).
Kể từ cuộc họp lần thứ 5 diễn ra năm 2016, sự kiện này được nối lại sau khi kết thúc dịch bệnh COVID và được hai bên mong chờ nhằm tiếp tục phát triển hợp tác giữa Việt Nam và Bỉ về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Phía Bỉ đã giới thiệu về những triển vọng của chính sách khoa học, những ưu tiên cho phát triển khoa học công nghệ và sáng tạo, trong đó có Chương trình Tài trợ chung Đông Nam Á-Liên minh châu Âu (SEA-EU) trong khuôn khổ Chương trình Nghiên cứu và Đổi mới Sáng tạo của EU (Horizon Europe).
Các chuyên gia Bỉ đã trình bày về kết quả hợp tác trong thời gian qua trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học giữa Bỉ và Việt Nam với sự tài trợ của Cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp và Quỹ Nghiên cứu và Phát triển của vùng Flanders (FWO) cho Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia của Việt Nam (NAFOSTED).
Các trường đại học của Bỉ và các viện nghiên cứu cùng các trường đại học của Việt Nam tiến hành nhiều dự án hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, xử lý nước thải công nghiệp, vật liệu mới, ứng phó với biến đổi khí hậu…
[Việt Nam thúc đẩy hợp tác với các đối tác của Bỉ về đổi mới sáng tạo]
Về phần mình, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thông báo về những bước phát triển trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới ở Việt Nam, cũng như việc thực hiện những kết luận kể từ cuộc họp Ủy ban Hỗn hợp lần thứ 5.
Trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Brussels, bà Brigitte Decadt, chuyên gia Vụ Hợp tác Quốc tế của BELSPO bày tỏ hài lòng về mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực khoa học công nghệ từ 20 năm nay.
Hai bên đã đưa ra nhiều dự án hợp tác trong linh vực này tạo chuẩn mực cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam rộng đường vào thị trường châu Âu, chẳng hạn như tôm, hay cùng nhau sáng tạo những vật liệu mới từ sợi tre kết hợp với polymer và nhiều dự án đổi mới khác.
Bà Brigitte Decadt cũng cho biết hai bên cũng hợp tác tích cực trong giải quyết vấn đề ô nhiễm nước, khử mặn nước biển, bảo vệ thiên nhiên…
Đây là những dự án mang tính chiến lược với nguồn dữ liệu phong phú và đạt kết quả cao, mở ra nhiều triển vọng kết nối với các chương trình nghiên cứu của châu Âu với những hợp tác rộng lớn hơn, dài hơi hơn, thậm chí với các quốc gia cùng gặp những vấn đề như Việt Nam.
Tại Luxembourg, Đoàn Việt Nam đã làm việc với Viện Khoa học Công nghệ Luxembourg, Bộ Kinh tế nhằm trao đổi thông tin và tìm hiểu về việc thực hiện đổi mới, sáng tạo tại quốc gia châu Âu này, hiện là một trong những nước hàng đầu thế giới về khoa học công nghệ.
Theo ông, Lý Hoàng Tùng, cả Bỉ và Luxembourg đều có thể mạnh về khoa học công nghệ, đặc biệt những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng khoa học lần thứ tư.
Do đó, trong thời gian tới, phía Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các dự án hợp tác về những ngành khoa học này, nhất là về trí tuệ nhân tạo, thông tin truyền thông, tự động hóa. Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy ký kết hợp tác khoa học công nghệ với Luxembourg trong thời gian tới.
Chuyến thăm và làm việc của Đoàn Công tác Bộ Khoa học và Công nghệ nằm trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam-Bỉ và Việt Nam-Luxembourg./.