Trong các cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc về những kết quả đạt được trong tháng Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an, Trưởng phái đoàn Thường trực Liên minh châu Âu (EU) Olof Skoog, Trưởng phái đoàn thường trực Liên minh châu Phi (AU) Fatima Kyari Mohammed tại Liên hợp quốc và Trưởng phái đoàn thường trực Ireland tại Liên hợp quốc Geraldine Byrne Nason đều đánh giá rất cao phiên thảo luận về quan hệ hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực do Việt Nam đưa ra.
Theo Đại sứ Skoog, các chủ đề lớn mà Việt Nam đưa ra thảo luận xuyên suốt trong tháng 4 vừa qua trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an đều rất phù hợp, nhất là chủ đề về hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, về ngoại giao hòa giải và các biện pháp xây dựng lòng tin.
Theo Đại sứ Skoog, hiện nay tình hình nhiều nơi trên thế giới rất căng thẳng nhưng đáng tiếc là không phải vấn đề nào Hội đồng Bảo an cũng ra được nghị quyết.
Vì thế, việc Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng lòng tin là cách tiếp cận rất hay để tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an. Đại sứ Skoog đánh giá những vấn đề Việt Nam đề xuất thảo luận trong tháng chủ tịch lần này thực sự rất đúng lúc và phù hợp.
Đại sứ Skoog cũng cho rằng các nước Ủy viên không thường trực như Việt Nam có thể đóng góp rất nhiều cho Hội đồng Bảo an nhưng các nước cần phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn nữa để có thể khơi thông những "điểm nghẽn" trong những chương trình nghị sự gây tranh cãi hay còn nhiều ý kiến trái chiều trong số các nước Ủy viên thường trực.
[Quốc tế hoan nghênh Việt Nam tổ chức phiên họp về rà phá bom mìn]
Trong khi đó, Đại sứ Fatima Kyari Mohammed cũng đánh giá rất cao những chủ đề điểm nhấn mà Việt Nam đã lựa chọn thảo luận trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2021.
Theo bà Mohammed, các tổ chức khu vực có tầm quan trọng rất lớn trong việc thúc đẩy đối thoại và ngoại giao hòa giải trong ngăn ngừa xung đột, cũng như tìm ra các giải pháp giải quyết xung đột.
Từ góc độ của AU, cách đây 3 năm, liên minh này đã ký thỏa thuận hợp tác khung với Liên hợp quốc về duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy phát triển. Kể từ đó đến nay, mối quan hệ giữa hai bên đã luôn được củng cố thông qua nhiều nỗ lực chung hướng tới các giải pháp chung toàn diện.
AU đã đóng vai trò điều phối tốt hơn rất nhiều trong giải quyết các cuộc xung đột và khủng hoảng ở châu Phi. Tuy nhiên, Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong trong thời gian tới.
Đại sứ Fatima Kyari Mohammed đánh giá cao việc Việt Nam thúc đẩy các nội dung thảo luận về tăng cường đối thoại và giải quyết xung đột thông qua các giải pháp hòa bình, đặt con người ở vị trí trung tâm, ưu tiên các chính sách nhân đạo và tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực.
Theo Đại sứ, tất cả các nội dung này đều rất phù hợp với những ưu tiên của AU, một liên minh luôn muốn tăng cường hợp tác với các tổ chức khu vực, nhất là ASEAN.
Với Hội đồng Bảo an, bà Fatima Kyari Mohammed cho rằng cơ quan này có trách nhiệm rất lớn trong việc duy trì an ninh và hòa bình trên thế giới, nhưng bên cạnh đó, các tổ chức khu vực cũng có vai trò rất quan trọng.
Vì thế, Liên hợp quốc cần chia sẻ trách nhiệm nhiều hơn với các tổ chức này và cũng cần thể hiện sự ủng hộ nhiều hơn, nhất là trong các hoạt động hỗ trợ gìn giữ hòa bình do Liên hợp quốc dẫn dắt.
Đại sứ cho rằng mỗi một tổ chức khu vực đều có những lợi thế riêng như ở gần nơi xảy ra xung đột, có cơ chế cảnh báo sớm, am hiểu bối cảnh tình hình khu vực... Tất cả những lợi thế này nên được phát huy triệt để.
Về việc Việt Nam chọn nội dung hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực là điểm nhấn quan trọng nhất của tháng Chủ tịch, bà Mohammed cho rằng đây là khởi đầu rất tốt để các nước chú trọng hơn nữa tới việc nâng cao mối quan hệ này.
Theo Đại sứ Mohammed, một điều quan trọng khác là cần đảm bảo "lời nói đi đôi với việc làm" và đưa ra được những cam kết cụ thể. Hội đồng Bảo an cần có những nỗ lực cụ thể để khuyến khích hơn nữa sự tham gia của các tổ chức khu vực, bởi hiểu rõ thực tế địa bàn là điều hết sức quan trọng.
Về vai trò của các nước Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, bà Mohammed tin rằng đóng góp của những nước này không nên chỉ giới hạn trong 2 năm nhiệm kỳ mà cần được thể hiện trong các nội dung trên bàn nghị sự của Hội đồng Bảo an nhằm đảm bảo hòa bình bền vững.
Trưởng Phái đoàn thường trực Ireland tại Liên hợp quốc Geraldine Byrne Nason cho biết Ireland rất hiểu tầm quan trọng của các tổ chức khu vực và ủng hộ các nước thành viên của các tổ chức khu vực.
Đại sứ Nason là người đã có những tranh luận mạnh mẽ tại Hội đồng Bảo an về những thế mạnh của các tổ chức khu vực như hiểu rõ địa bàn và tình hình thực tế tại khu vực. Điều này được thể hiện rất rõ trong EU, AU và ASEAN.
Cũng theo Đại sứ Nason, phiên họp ngày 27/4 về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột đã tập trung vào những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống con người và kết quả của phiên họp này sẽ thực sự để lại dấu ấn của Việt Nam.
Là thành viên mới của Hội đồng Bảo an, Ireland đánh giá rất cao cả 3 chủ đề điểm nhấn mà Việt Nam đưa ra thảo luận trong tháng qua. Ngoại trưởng Ireland đã tham dự cả 3 phiên thảo luận cấp cao do Việt Nam chủ trì và điều này thể hiện rõ Ireland coi trọng vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an mà Việt Nam đảm trách, cũng như coi trọng những vấn đề có tầm quan trọng thực chất mà Việt Nam lựa chọn đưa ra thảo luận.
Khi được hỏi về những nỗ lực của Việt Nam trong việc kết nối ASEAN với Hội đồng Bảo an để giải quyết cuộc xung đột Myanmar, bà Nason cho rằng những gì Việt Nam đã làm và kết nối là rất đúng đắn. ASEAN cần phải hợp tác chặt chẽ với Hội đồng Bảo an để tìm ra giải pháp cho tình hình hiện nay ở Myanmar.
Ireland muốn thấy ASEAN, trên vai trò là tổ chức khu vực, có được những ý kiến mang tính xây dựng và tiến tới đối thoại giải quyết cuộc khủng hoảng Myanmar hiện nay.
Bà bày tỏ tin tưởng Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục quan tâm chặt chẽ vấn đề này, kể cả khi Việt Nam không còn là Chủ tịch Hội đồng Bảo an và mong Việt Nam sẽ cùng với các thành viên ASEAN khác góp phần thúc đẩy tiến trình tìm giải pháp cho Myanmar./.