Việt Nam thiệt hại hơn 22.600 tỷ đồng do bão lũ trong năm 2017

Thiệt hại do bão lũ trong năm 2017 ước tính trên 22.600 tỷ đồng, Việt Nam cần sự hỗ trợ về tài chính từ chương trình cứu trợ nhân đạo của LHQ và các cộng đồng quốc tế giúp người dân phục hồi sinh kế.
Lễ công bố “Lời kêu gọi hỗ trợ khắc phục hậu quả bão Damrey và lũ lụt tại một số tỉnh miền Trung năm 2017”. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

Ngày 14/12, tại buổi lễ công bố lời kêu gọi hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão Damrey (cơn bão số 12) và lũ lụt tại một số tỉnh miền Trung do Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cảm ơn các nước, các tổ chức quốc tế, cá nhân trong và ngoài nước đã dành sự hỗ trợ quý báu bằng tình cảm và vật chất cho người dân các tỉnh miền Trung.

Trong những năm gần đây, Việt Nam phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai như bão, lũ, hạn hán với cường độ lớn, phạm vi rộng, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Miền Trung là nơi hứng chịu nhiều nhất, riêng năm 2017 miền Trung chịu thiệt hại kép, bão, lũ chồng lũ.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kêu gọi cộng đồng quốc tế, các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tiếp tục hỗ trợ đồng bào các khu vực bị ảnh hưởng để sớm khắc phục hậu quả sau bão.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ.

[EU viện trợ 200.000 euro giúp các nạn nhân bão Damrey tại Việt Nam]

Hơn 4,2 triệu người ở miền Trung bị ảnh hưởng do tác động của cơn bão số 12, mưa lũ sau bão ảnh hưởng nặng nề cho nhóm người dễ bị tổn thương. Kế hoạch hỗ trợ khẩn cấp 7,3 triệu đôla Mỹ từ Chính phủ Hàn Quốc, Liên bang Nga, New Zealand, Mỹ… đảm bảo cho an ninh lương thực, nguồn nước, vệ sinh môi trường.

Lũ trên sông Hương ở Thừa Thiên-Huế. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Hiện tại, Liên hợp quốc phối hợp với các tổ chức nhân đạo đánh giá nhu cầu phục hồi ở miền Trung để tiếp tục có hướng hỗ trợ phù hợp, bảo đảm đến từng người dân ở bất cứ địa bàn khó khăn nào.

Việt Nam cần có sự hỗ trợ về tài chính từ chương trình cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc và các cộng đồng quốc tế giúp người dân phục hồi sinh kế.

Việt Nam đã có sự hỗ trợ từ Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Tổ chức lương thực thế giới, cũng cần tăng cường phối hợp với các chủ thể khác để đảm bảo triển khai thực hiện các kế hoạch ứng phó và phòng chống thiên tai dựa trên những thông tin đã được cung cấp.

Thay mặt Đoàn đánh giá hiện trạng phục hồi và nhu cầu hỗ trợ sau thiên tai tại tỉnh Khánh Hòa, Quảng Nam, ông Sammy cho rằng ảnh hưởng sinh kế của người dân rất lâu dài, với người dân miền núi bị mất hoàn toàn nguồn lực kinh tế.

Việc cần là hỗ trợ khẩn cấp cho các hộ gia đình có lương thực và nhà tạm trong giai đoạn 6 tháng tiếp theo, đa dạng các hoạt động hỗ trợ , tăng cường các quan hệ đối tác với cả khối tư nhân hỗ trợ sinh kế cũng như giúp người dân tiếp cận với bảo hiểm…

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục Trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi 14 cơn bão, nhiều đợt mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất làm 386 người chết và mất tích, tổng thiệt hại lên đến 60.000 tỷ đồng, trong đó cơn bão số 12 và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung, đặc biệt là các tỉnh Nam Trung Bộ, làm 123 người chết và mất tích, 342 người bị thương, 3.550 nhà bị sập, gây ngập lụt nhà cửa, lúa, hoa màu và cây ăn quả, hư hại nhiều công trình đê điều, giao thông… với thiệt hại ước tính trên 22.600 tỷ đồng.

Công tác hỗ trợ và khắc phục hậu quả sau bão và mưa lũ đã khẩn trương được thực hiện. Gần 700 tấn giống lúa, 4.400 tấn gạo, 1.000 tỷ đồng, hàng trăm cơ số thuốc đã kịp thời được chuyển đến cho người dân.

Nhiều tổ chức trong nước, quốc tế như Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật Bản, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Chính phủ Trung Quốc, Nga, Kuwait, Trung tâm điều phối khu vực ASEAN về hỗ trợ nhân đạo thiên tai… đã hỗ trợ tiền và hiện vật cho đồng bào vùng bị ảnh hưởng.

Các công việc trước mắt là khắc phục cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng, vệ sinh môi trường, khôi phục nuôi trồng và khai thác thủy sản nông nghiệp, thúc đẩy cơ quan bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm cho doanh nghiệp và người dân để sớm khôi phục sản xuất.

Cơ quan có thẩm quyền khẩn trương tổ chức tiếp nhận, phân phối hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, đảm bảo kịp thời, công bằng, công khai, minh bạch; tổ chức rút kinh nghiệm việc ứng phó và khắc phục, rà soát hiện trạng hồ chứa, sẵn sàng phương án vận hành, đảm bảo an toàn công trình và hạ du trong tình huống mưa lũ lớn muộn, trái mùa; cập nhật, điều chỉnh kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai phù hợp…/. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục