Ông Vũ Anh Sơn, Trưởng đại diện UNHCR tại Việt Nam cho rằng, trong khối ASEAN, Việt Nam là nước đã tiến hành một loạt các biện pháp tốt trong lĩnh vực bảo vệ và giảm thiểu số lượng phụ nữ di cư không có quốc tịch.
Đây là nhận xét được đưa ra Ngày 21/4, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tổ chức Hội thảo khu vực về thúc đẩy dịch vụ xã hội cho phụ nữ di cư. Đây là hoạt động bên lề của Lễ thành lập mạng lưới doanh nghiệp nữ ASEAN (AWEN).
Tuy nhiên, ông Vũ Anh Sơn cũng cảnh báo, vẫn còn khoảng cách về các chính sách, pháp luật bảo vệ lao động di cư giữa các nước trong khu vực. Phụ nữ di cư có thể có nguy cơ rơi vào trình trạng không có quốc tịch trong nhiều tình huống khác nhau.
Theo Thứ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, Chính phủ Việt Nam đã tích cực hợp tác với chính phủ các nước nhận lao động để bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam làm việc ở các nước này. Ngoài ra, Việt Nam cũng là thành viên tích cực của Ủy ban ASEAN về thực hiện Tuyên bố ASEAN bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư.
“Luật Quốc tịch của Việt Nam đã được sửa đổi nhằm hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi về quốc tịch và công dân cho phụ nữ lấy chồng nước ngoài, tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao hiểu biết, phòng tránh rủi ro cho người di cư trong nước và nước ngoài,” Thứ Trưởng Nguyễn Thanh Hòa nói.
Theo số liệu của UNHCR, mặc dù ước tính hàng năm số lượng phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài gia tăng, nhưng tỷ lệ phụ vữ và trẻ em trở thành không quốc tịch đang giảm đáng kể. Hiện nay, chỉ có gần 100 phụ nữ đang chờ được xử lý có hồ sơ xin nhập lại quốc tịch Việt Nam
Tại hội nghị, các chuyên gia đều nhận định, phụ nữ di cư thường không dễ tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và những người làm việc trong các khu vực có tay nghề thấp.
Tiến sỹ Jobst Koehler, Phụ trách Chương trình IOM cho biết, ngày càng có nhiều phụ nữ di cư ở châu Á, họ di cư một cách độc lập chứ không phải đi theo chồng. Hầu hết sự di cư của phụ nữ là trong khu vực. Đối với những trường hợp di cư ngoài khu vực thì phụ nữ thường chiếm tỷ lệ lớn hơn so với nam giới, 52 % lao động di cư tới các nước phát triển là phụ nữ.
Mặc dù trước đây các nữ lao động di cư thường làm việc trong các lĩnh vực rủi ro như: Giúp việc gia đình, sản xuất, chăm sóc… nhưng ngày càng có nhiều phụ nữ di cư vì mục đích giáo dục và tìm kiếm các công việc có trình độ trung bình hoặc cao như y tá và bác sỹ./.