Việt Nam-Thụy Điển thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác khoa học-công nghệ

Trải qua 55 năm, Việt Nam và Thụy Điển đã không ngừng xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Đại sứ Trần Văn Tuấn chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác thành phố Hải Phòng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thuỵ Điển 2024 ngày 6/9 tại Stockholm. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)
Đại sứ Trần Văn Tuấn chụp ảnh lưu niệm với đoàn công tác thành phố Hải Phòng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thuỵ Điển 2024 ngày 6/9 tại Stockholm. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Năm 2024 đánh dấu 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển, một mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống lâu đời và đặc biệt. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1969.

Đối với người dân Việt Nam, nói tới Thụy Điển là nói tới sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa mà nhân dân Thụy Điển đã luôn dành cho Việt Nam trong cuộc kháng chiến vì độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất, cũng như trong sự nghiệp xây dựng, tái thiết và phát triển đất nước.

Trải qua 55 năm, hai nước đã không ngừng xây dựng, vun đắp, phát triển mối quan hệ song phương ngày càng bền vững, đi vào chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển Trần Văn Tuấn khẳng định trong quan hệ song phương, hai bên có nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác trong rất nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực mà bên này có thế mạnh và bên kia có nhu cầu.

Đẩy mạnh hợp tác khoa học công nghệ

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN có mặt tại Stockholm, Đại sứ Trần Văn Tuấn nhấn mạnh trước hết, hai nước có tiềm năng hợp tác rất lớn về chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Đây chính là lĩnh vực mà Thụy Điển có thế mạnh, đi đầu trên thế giới, trong khi Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu.

Mục tiêu phát triển của Việt Nam hiện tại cũng như lâu dài đều hướng tới chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai; đồng thời, quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên.

Thứ hai, hai nước có tiềm năng hợp tác tốt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đặc biệt là trong những lĩnh vực Thụy Điển có nhiều kinh nghiệm như: công nghệ thu giữ carbon, xử lý rác thải; chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý tài chính; theo dõi và chăm sóc sức khỏe cộng đồng...

Thứ ba, hai nước cũng có tiềm năng hợp tác hiệu quả về lao động, thương mại và đầu tư. Việt Nam với quy mô dân số hơn 100 triệu người, có chế độ chính trị ổn định và tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đang thực sự là một thị trường hấp dẫn, nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp Thụy Điển.

Đại sứ Trần Văn Tuấn cho biết một trong những điểm nhấn quan trọng trong hoạt động ngoại giao kinh tế để kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thụy Điển là Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển 2024, được tổ chức vào ngày 6/9, tập trung vào 3 chủ đề chính: Chuyển đổi số, Chuyển đổi năng lượng và Đổi mới sáng tạo.

Ngoài phiên thông tin về chiến lược và chính sách, diễn đàn cũng bao gồm phiên thảo luận nhóm và thảo luận mở với sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu phân tích về các cơ hội, thách thức và tiềm năng trong việc hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước trong tương lai. Sự kiện này là dịp để các doanh nghiệp hai nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và khám phá cơ hội hợp tác, mở ra những hướng phát triển mới trong quan hệ song phương, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cả hai quốc gia.

ttxvn_viet_nam_–_thuy_dien_2024_hop_tac_0709-2.jpg
Đại sứ Trần Văn Tuấn giới thiệu triển lãm ảnh Việt Nam với ông Andreas Carlson, Bộ trưởng phụ trách Cơ sở Hạ tầng và Nhà ở Thuỵ Điển. (Ảnh: Thu Hằng/ TTXVN)

Theo Đại sứ, diễn đàn này mang lại những kết quả thiết thực giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp hai nước hiểu biết thêm về nhau, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực đang được cả thế giới quan tâm hiện nay là: Chuyển đổi số, Chuyển đổi năng lượng và Đổi mới sáng tạo.

Hiện nay, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo đang dần trở thành các động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, trong năm 2023, kinh tế số đã đóng góp 16,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và có tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 20%; Kinh tế xanh gắn với chuyển đổi năng lượng, tuy mới đóng góp khoảng 2% GDP cả nước, nhưng tốc độ tăng trưởng cũng rất nhanh, đạt khoảng 10%/năm.

Việt Nam cũng được đánh giá có nhiều tiềm năng về chuyển đổi số. Nền kinh tế số Việt Nam ước tính sẽ đạt trị giá khoảng 220 tỷ USD vào năm 2030, 72 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet, trung bình mỗi người Việt Nam đang tiêu 288 USD/năm để mua sắm trực tuyến.

Việt Nam cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), hơn 39% tổng diện tích Việt Nam được ước tính có tốc độ gió trung bình hằng năm đạt trên 6m/s ở độ cao 65m, tương đương công suất điện 512GW.

Đại sứ Trần Văn Tuấn trích dẫn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết kinh tế Việt Nam đang dần dịch chuyển sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, thể hiện rõ nhất ở mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng kinh tế ngày một lớn.

Nếu như trong giai đoạn 2011-2015, TFP mới đóng góp khoảng 32,88% vào tăng trưởng GDP thì đến giai đoạn 2016-2020, con số này là 45,57%. Việt Nam được ghi nhận là một trong những nước có tốc độ tăng TFP cao nhất trong số các nước thành viên Tổ chức Năng suất châu Á (APO). Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam cũng tăng từ 19% năm 2010 lên gần 50% năm 2023.

Đại sứ Trần Văn Tuấn phân tích Thụy Điển có trình độ khoa học-công nghệ cao, có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực này. Năm 2023, Thụy Điển đã được tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng thứ hai toàn cầu về chỉ số đổi mới sáng tạo (Thụy Sĩ xếp thứ nhất, Mỹ xếp thứ ba, Việt Nam xếp thứ 46). Nước này cũng đã giành được 20 giải Nobel trong lĩnh vực khoa học-công nghệ.

Trong khi đó, Việt Nam có thị trường lớn với 100 triệu dân, có nguồn lao động trình độ cao khá dồi dào, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, có nhu cầu lớn về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, đổi mới sáng tạo. Hơn thế nữa, Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đặt quyết tâm rất cao trong việc thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này trong nước.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Vụ Luật pháp quốc tế-Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong số 42 hiệp định, thỏa thuận giữa hai nước còn hiệu lực, thì có tới 18 hiệp định, thỏa thuận liên quan lĩnh vực khoa học công nghệ. Do đó, theo Đại sứ Trần Văn Tuấn, Việt Nam và Thụy Điển rất có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này, đặc biệt là về chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng và đổi mới sáng tạo.

Đại sứ cho biết thực tế thời gian gần đây cũng cho thấy doanh nghiệp hai nước đang rất quan tâm đầu tư, làm ăn với các đối tác của nhau trong các lĩnh vực này.

Bên cạnh việc nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Thụy Điển như Ericsson, ABB, SAAB, Electrolux... đang có mặt tại Việt Nam, thì một số doanh nghiệp khác cũng đang đề nghị Đại sứ quán hỗ trợ tìm hiểu khả năng mở các trung tâm nghiên cứu phát triển và nhà máy sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam, tiêu biểu như: công ty Vilja Solutions nghiên cứu đầu tư Trung tâm nghiên cứu phát triển phần mềm ngân hàng kỹ thuật số; công ty ASSA ABLOY đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản xuất khóa thông minh công nghệ cao; công ty Syre đầu tư nhà máy tái chế sợi vải công nghệ cao...

Trong khi đó, một số doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bước đầu có các dự án đầu tư, làm ăn tại Thụy Điển trong các lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, cũng như ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các mặt hàng tiêu dùng, tiêu biểu là tập đoàn FPT và công ty Nutifood.

Tập đoàn FPT vừa chính thức mở và khai trương Văn phòng đại diện tại Thụy Điển ngày 6/9, đánh dấu bước phát triển mới hết sức tích cực về hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ giữa hai nước.

Nâng tầm quan hệ song phương

Với hai Bản ghi nhớ (MoU) mới được ký kết tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam-Thụy Điển 2024 ngày 6/9 giữa Cảng Gothenburg và Sở Công Thương thành phố Hải Phòng và Cảng Gothenburg với Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, dự kiến các đường vận tải biển trực tiếp đầu tiên giữa Việt Nam và Thụy Điển sẽ sớm được xác lập để rút ngắn thời gian vận chuyển giữa hai nước, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại song phương thời gian tới.

ttxvn_viet_nam_–_thuy_dien_2024_hop_tac_0709-3.jpg
Lễ ký các Biên bản Ghi nhớ (MoU) hợp tác giữa Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, Sở Công Thương thành phố Hải Phòng và Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn với các đối tác Thuỵ Điển ngày 6/9 tại Stockholm. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Đại sứ Trần Văn Tuấn cho biết trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển sẽ tập trung thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, như chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; công nghệ thu giữ carbon, xử lý rác thải; chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, quản lý tài chính; theo dõi và chăm sóc sức khỏe cộng đồng; và hợp tác lao động, thương mại và đầu tư.

Trên cơ sở mối quan hệ truyền thống, lịch sử và tình cảm đặc biệt mà nhân dân hai nước dành cho nhau, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Điển sẽ tích cực phối hợp cùng các đồng nghiệp Thụy Điển, nghiên cứu và đề xuất khả năng nâng cấp quan hệ giữa hai quốc gia, đáp ứng nhu cầu, lợi ích thiết thực của người dân hai nước, tương xứng với tầm vóc mối quan hệ hơn nửa thế kỷ giữa hai nước.

Đại sứ hy vọng rằng quan hệ truyền thống đặc biệt giữa Việt Nam và Thụy Điển sẽ tiếp tục được kế thừa và phát huy rực rỡ, vì tương lai tốt đẹp của hai dân tộc, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trên toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Toàn cảnh mùa giải Nobel năm 2024

Lễ trao các giải Nobel Y Sinh, Vật lý, Hóa học, Kinh tế năm 2024 sẽ được tổ chức tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), riêng giải Nobel Hòa bình sẽ được trao tại thủ đô Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12.