Việt Nam trong số các quốc gia phát triển nhanh nhất trong 10 năm qua

Kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất đến năm 2030.
Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trang eurekalert.org ngày 27/7 đăng kết quả nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng thuộc Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy Việt Nam được dự báo sẽ nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất đến năm 2030.

Trong số này, ngoài Việt Nam còn có Trung Quốc, Uganda, Indonesia và Ấn Độ. 

Theo kết quả nghiên cứu, khi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 không còn, tăng trưởng dài hạn được dự báo sẽ tập trung ở châu Á, Đông Âu và Đông Phi. Trung Quốc được kỳ vọng là nền kinh tế phát triển nhanh nhất tính theo đầu người, ngay cả khi dự báo cho thấy tốc độ tăng trưởng đang chậm lại so với những gì nước này đã đạt được trong thập kỷ qua.

Nghiên cứu cho thấy các quốc gia đã đa dạng hóa sản xuất sang các lĩnh vực phức tạp hơn, như Việt Nam và Trung Quốc, là những quốc gia sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới.

Các nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm tăng trưởng đã công bố bảng xếp hạng quốc gia mới tính theo Chỉ số phức tạp kinh tế (ECI), đánh giá sự đa dạng và tinh vi về năng lực sản xuất thể hiện trong hàng hóa xuất khẩu của mỗi quốc gia. Bất chấp sự gián đoạn về thương mại do đại dịch, xếp hạng mức độ phức tạp kinh tế của các nước vẫn ổn định đáng kể.

Bảng xếp hạng ECI cho thấy các quốc gia phức tạp kinh tế nhất trên thế giới được giữ ổn định, các vị trí đầu bảng theo thứ tự là Nhật Bản, Thụy Sĩ, Đức, Hàn Quốc và Singapore. Các quốc gia đáng chú ý khác là Anh (xếp thứ 10), Mỹ (12), Trung Quốc (16) và Italy (17). Những nền kinh tế đang phát triển đã đạt được những bước tiến lớn nhất trong việc cải thiện mức độ phức tạp, trong đó có Việt Nam (51), Campuchia (72), Lào (89) và Ethiopia (97).

Nhìn vào dự báo tăng trưởng đến năm 2030, 3 cực tăng trưởng đã được xác định. Một số nền kinh tế châu Á đã nắm giữ sự phức tạp kinh tế cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhất trong thập kỷ tới, dẫn đầu là Trung Quốc, Campuchia, Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế và báo chí nước ngoài, kinh tế Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch COVID.

Thống kê 7 tháng của năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam tiếp tục phục hồi trên nhiều lĩnh vực.

Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 216,35 tỷ USD, tăng 16,1%. Cán cân thương mại ước tính xuất siêu 764 triệu USD (cùng kỳ năm 2021 nhập siêu 3,31 tỷ USD).

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP)  tăng 8,8%, cao hơn mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm 2021. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,7%).

Bình quân 7 tháng năm 2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước. Biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng dầu.

Cả nước có 133.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Con số này tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, theo đó bình quân một tháng, nền kinh tế có 19.100 doanh nghiệp gia nhập hoạt động.

Tính đến 20/7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt trên 15,4 tỷ USD, bằng xấp xỉ 93% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, vốn điều chỉnh và vốn góp tăng mạnh lần lượt là 59% và gần 26%.

Bên cạnh đó, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 11,6 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2021.Cụ thể, cả nước có trên 900 dự án được cấp mới (giảm 7,9% so với cùng kỳ) với tổng vốn đạt trên 5,7 tỷ USD (giảm 43,5% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, có gần 580 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 3,2% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, tổng vốn tăng thêm trong đạt trên 7,2 tỷ USD và tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,6 tỷ USD.Trong đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Kế đến là ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,21 tỷ USD, chiếm gần 20,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Các vị trí tiếp theo lần lượt là ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là 526 triệu USD và 465 triệu USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục