Trong ba năm vừa qua, Việt Nam liên tục xuất siêu, đặc biệt năm 2014, giá trị xuất siêu lên tới trên 2 tỷ USD chủ yếu do đóng góp của khối doanh nghiệp FDI.
Năm 2015, theo dự báo của Bộ Công Thương, Việt Nam sẽ quay trở lại xu thế nhập siêu. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Tiến sỹ Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương.
- Không chỉ năm 2014 mà cả ba năm vừa rồi xuất siêu của Việt Nam chủ yếu là do đóng góp của khối doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu. Theo ông, thực trạng này cho thấy điều gì? Liệu xu thế các doanh nghiệp FDI xuất siêu còn doanh nghiệp trong nước nhập siêu có tiếp diễn trong năm 2015 không thưa ông?
Ông Lê Quốc Phương: Trong ba năm vừa qua Việt Nam xuất siêu, nhưng xuất siêu chủ yếu là do đóng góp của khối doanh nghiệp FDI.
Tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI luôn chiếm áp đảo, khối này đang chiếm trên 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu còn lại các doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 1/3.
Ngoài ra, tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI hàng năm cũng rất cao, điều này thể hiện tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong mấy năm qua chính là do tăng trưởng của khối này, còn tăng trưởng của doanh nghiệp trong nước vẫn còn thấp.
Thực trạng này cho chúng ta thấy các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn yếu thế trước các doanh nghiệp FDI trong hoạt động xuất khẩu. Xu hướng này đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng trong vài năm trở lại đây do kinh tế khó khăn nên xu thế này càng bộc lộ rõ.
Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều điểm đáng mừng trong hoạt động xuất khẩu, trong đó điểm nhấn quan trọng là năm 2014, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tuy vẫn còn thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI nhưng đã có sự cải thiện và phục hồi nhất định sau vài năm khó khăn.
Việc các doanh nghiệp FDI xuất siêu còn doanh nghiệp trong nước nhập siêu khả năng vẫn còn tiếp diễn không chỉ riêng năm 2015 mà còn có thể kéo dài sang những năm tiếp theo, bởi để thay đổi xu thế này không phải câu chuyện một sớm một chiều, tuy nhiên điều đáng lo ngại là xuất siêu của nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào khối doanh nghiệp FDI nên nếu khối này giảm mức xuất siêu thì Việt Nam sẽ chuyển sang trạng thái nhập siêu.
- Xuất khẩu dệt may, da giày tiếp tục là một điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu, song nhập khẩu nguyên phụ liệu, máy móc phục vụ cho xuất khẩu các mặt hàng này cũng rất lớn. Liệu đây có phải là điểm yếu không khi mà giá trị gia tăng từ xuất khẩu những mặt hàng này không cao?
Ông Lê Quốc Phương: Không chỉ có trong lĩnh vực dệt may, da giày mà hầu hết các lĩnh vực chế biến, chế tạo đều có chung tình trạng như vậy. Những lĩnh vực này hiện nay chủ yếu đều dựa trên gia công, lắp ráp.
Mặc dù trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp đã từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm của mình song kết quả mà các doanh nghiệp được hưởng chủ yếu vẫn là công lao động.
Nguyên nhân vẫn là Việt Nam chưa có ngành công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh để cung cấp nguyên phụ liệu, linh phụ kiện cho các ngành công nghiệp xuất khẩu nên vẫn đang phải nhập khẩu rất nhiều để phục vụ cho xuất khẩu. Chính vì vậy, giá trị gia tăng thực sự thu được của xuất khẩu nói chung và xuất khẩu của ngành chế biến, chế tạo nói riêng vẫn còn rất thấp.
- Sau ba năm liên tục xuất siêu, dự kiến Việt Nam sẽ nhập siêu 6 tỷ USD trong năm 2015. Đáng lưu ý là nhập khẩu Việt Nam vẫn chủ yếu từ thị trường Trung Quốc, không phải là thị trường có công nghệ nguồn, thậm chí là kỹ thuật-công nghệ thấp. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào và cần có giải pháp nào để khắc phục?
Ông Lê Quốc Phương: Hiện nay, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu số một của Việt Nam với tổng kim ngạch nhập khẩu chiếm khoảng 30%.
Nguyên nhân thì nhiều, song có thể chỉ ra mấy nguyên nhân chủ yếu: Điểm thứ nhất là hàng nhập khẩu từ thị trường này thường có giá rất rẻ, từ hàng tiêu dùng cho đến nguyên phụ liệu, máy móc thiết bị...
Điểm thứ hai là Trung Quốc là nhà thầu lớn nhất tại Việt Nam, các gói thầu EPC thuộc các lĩnh vực như điện, khai khoáng, luyện kim do các doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu, chính vì vậy khi triển khai thi công, Trung Quốc phải đưa một lượng lớn máy móc thiệt bị sang Việt Nam để thi công, và đây cũng là nguyên nhân khiến nhập khẩu từ Trung Quốc tăng lên.
Để giảm bớt nhập khẩu từ Trung Quốc thì Việt Nam cần phải xây dựng được một ngành công nghiệp hỗ trợ, tiếp theo, Việt Nam phải xây dựng được một hàng rào kỹ thuật tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ, vì hiện nay chúng ta chưa có được hàng rào kỹ thuật hữu hiệu và nếu chúng ta xây dựng được hàng rào kỹ thuật thì vừa hạn chế được những hàng hóa kém chất lượng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam và cũng là vừa hạn chế nhập khẩu từ thị trường này.
- Nhằm hạn chế nhập siêu thì cần phải có sự ứng phó như thế nào từ điều hành vĩ mô cũng như doanh nghiệp, nhất là khi từ năm 2015 Việt Nam phải hoàn thành nhiều lộ trình cam kết cắt giảm thuế quan, thưa ông?
Ông Lê Quốc Phương: Trước hết, chúng ta cần phải chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, đó là chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu từ những mặt hàng có giá trị gia tăng thấp sang những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, ví dụ như những nhóm hàng như nông lâm thủy sản, nhiên liệu khoáng sản... chúng ta hiện nay vẫn chỉ xuất khẩu thô, chính vì vậy trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh chế biến và không xuất thô để có giá trị gia tăng cao hơn. Còn với những mặt hàng trước kia chúng ta chỉ gia công lắp ráp thì sắp tới nếu chưa đủ điều kiện chế tạo được thì cần đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa để thu được giá trị thật sự trong xuất khẩu.
Bên cạnh đó, phát triển công nghiệp hỗ trợ như đã nói ở trên cũng là một điểm rất quan trọng, không những giúp Việt Nam phụ thuộc vào mộ thị trường nào đó mà còn giúp chúng ta hạn chế nhập siêu.
Về phía Chính phủ, cũng cần đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu thông qua các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật đối với các mặt hàng đồng thời cải cách thể chế nói chung và thủ tục hành chính, thuế và hải quan cần tiếp tục đẩy mạnh để giảm thiểu chi phí cho doanh nghiệp, từ đó tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Song hành với đó, việc kiểm soát nhập khẩu cần tiếp tục linh hoạt, đảm bảo khuyến khích nhóm hàng cần nhập khẩu và hạn chế nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu và nhóm hàng hạn chế nhập khẩu.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động điều chỉnh cơ cấu danh mục đầu tư để nắm bắt cơ hội phục hồi của kinh tế thế giới và trong nước, từ đó có phương án tài chính phù hợp đầu tư đổi mới công nghệ và thiết bị, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, nâng cao được năng lực cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường trong nước và trên thị trường thế giới.
Ngoài ra để giảm nhập khẩu thì các doanh nghiệp cũng cần liên kết với các doanh nghiệp sản xuất trong nước khác vừa đẩy mạnh việc “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vừa giảm nhập khẩu những mặt hàng mà trong nước sản xuất được/.