Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, chiều 9/6, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với chính quyền bang Karnataka của nước này tổ chức hội thảo trực tuyến "Khám phá hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông giữa Karnataka và Việt Nam.”
Tại hội thảo, các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai bên đã trao đổi về tiềm năng và cơ hội hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo nhằm tận dụng mọi khả năng cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế, thương mại chung của hai nước.
Tham gia hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải; Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Võ Xuân Hoài; đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương, bà Bùi Thị Thanh Hằng; Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, bà Huỳnh Liên Phương; Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng; Trợ lý thủ hiến bang Karnataka, Tiến sỹ EV. Ramana Reddy; cùng đại diện của nhiều công ty hai nước.
Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Nguyễn Thanh Hải đánh giá bang Karnataka có tiềm năng hợp tác và phát triển công nghệ thông tin rất lớn. Thủ phủ Bengaluru của bang Karnataka hiện là cụm công nghệ lớn thứ 4 trên thế giới, sau thung lũng Silicon, Boston và London.
[Cơ hội hợp tác kinh doanh-đầu tư với bang Andhra Pradesh của Ấn Độ]
Karnataka có 47 đặc khu công nghệ thông tin, nhiều khu vực đầu tư công nghệ thông tin chuyên dụng và 3.500 công ty công nghệ thông tin.
Toàn bang có 550.000 chuyên gia công nghệ thông tin, chiếm 1/3 tổng số chuyên gia công nghệ thông tin trong cả nước.
Cũng theo Đại sứ Nguyễn Thanh Hải, bang Karnataka đã khẳng định được vị thế là một trung tâm khởi nghiệp và đổi mới toàn cầu với hơn 400 trung tâm nghiên cứu và phát triển quốc tế và 4.000 công ty khởi nghiệp tại Bangalore.
Karnataka còn có các Đặc khu kinh tế chuyên ngành (SEZ) cho các lĩnh vực quan trọng như công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, kỹ thuật, chế biến thực phẩm, hàng không vũ trụ.
Chính quyền Karnataka cung cấp nhiều ưu đãi tài chính và chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp dựa trên Chính sách công nghiệp Karnataka 2020-2025, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục đầu tư.
Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), ông Võ Xuân Hoài cũng đánh giá bang Karnataka có nhiều thành tựu trong phát triển và đổi mới khoa học-công nghệ, trong khi Việt Nam được biết đến là quốc gia năng động trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo với Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được xếp hạng đứng thứ 48/132 nền kinh tế.
Theo ông Võ Xuân Hoài, hai bên có nhiều tiềm năng hợp tác. Ông bày tỏ hy vọng trong thời gian tới hai bên sẽ có nhiều chương trình hợp tác song phương về thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tăng cường đầu tư trong các lĩnh vực then chốt cùng quan tâm như công nghệ thông tin, điện tử, nhà máy thông minh, thành phố thông minh và truyền thông số.
Tiến sỹ EV. Ramana Reddy cho biết Karnataka có hệ sinh thái đổi mới hàng đầu ở Ấn Độ. Karnataka là cụm công nghệ lớn thứ 4 thế giới; top 5 thành phố hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) với hơn 485 trung tâm R&D và đổi mới toàn cầu; và xếp thứ 8 về Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu 2023 của Startup Blink.
Trong bảng xếp hạng quốc gia, Karnataka đứng đầu về Chỉ số đổi mới ở Ấn Độ - NITI Aayog trong các năm 2019, 2020 và 2021; đứng đầu về Dòng vốn FDI năm 2022; đứng đầu Chỉ số đổi mới sản xuất của Ấn Độ.
Ngoài ra, Bengaluru là “quê hương” của 1/4 số chuyên gia kỹ thuật số của Ấn Độ, trong khi Bangalore đứng đầu về số lượng việc làm và việc làm được tạo ra. Tiến sỹ Ramana Reddy bày tỏ hy vọng hội thảo trực tuyến này sẽ giúp kết nối và tạo cơ hội cho các nhà đầu tư, kinh doanh của hai bên gặp gỡ và trao đổi nhằm hiện thực hóa các tiềm năng phát triển của hai nước.
Cũng tại hội nghị, bà Bùi Thị Thanh Hằng khẳng định Việt Nam có tiềm năng rất lớn về phát triển kinh tế kỹ thuật số và ngược lại, kinh tế kỹ thuật số cũng mang lại nhiều cơ hội phát triển cho Việt Nam như tạo ra chính phủ số hoạt động hiệu quả hơn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực cho tăng trưởng mới và từng bước thoát bẫy thu nhập trung bình.
Ngoài ra, xã hội số cũng giúp người dân có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ, đào tạo và tri thức, đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển và giảm các yếu tố bất lợi khác.
Các đại diện trong ngành công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam như Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Công ty cổ phần Giải pháp phần mềm ZentSoft… cũng tham dự sự kiện. Các diễn giả đã trình bày về tiềm năng phát triển của ngành công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Đại diện từ Đà Nẵng, bà Huỳnh Liên Phương, đã giới thiệu những cơ hội hợp tác kinh doanh tại thành phố biển miền Trung của Việt Nam. Theo bà, trong các lĩnh vực được ưu tiên đầu tư ở Đà Nẵng có công nghệ thông tin, phần mềm, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường, tự động hóa, vật liệu mới.
Nhiều dự án lớn đang được thành phố triển khai như Công viên công nghệ cao Đà Nẵng, Quy hoạch tổng thể Master Plan… mở ra nhiều cơ hội mới cho các nhà đầu tư và kinh doanh Ấn Độ có thể đến hợp tác và triển khai đầu tư, kinh doanh.
Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng bày tỏ hy vọng hội thảo trực tuyến lần này sẽ đem lại cơ hội hợp tác và phát triển mới cho ngành công nghệ thông tin và truyền thông của 2 nước, đồng thời thúc đẩy giao thương và đầu tư giữa Việt Nam và Karnataka nói riêng, Việt Nam và Ấn Độ nói chung./.