Việt Nam và Pháp ký thỏa thuận hợp tác về hiện đại hóa hành chính công

Hai bê sẽ hợp tác trong các lĩnh vực như xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số; chuyển đổi số nền hành chính; chính sách bình đẳng giới cũng như cơ hội tiếp cận nghề nghiệp bình đẳng.
Lễ ký kết bản thỏa thuận song phương về hợp tác trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính giữa Bộ Chuyển đổi và Công vụ Cộng hòa Pháp và Bộ Nội Vụ Việt Nam. (Ảnh: Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam)

Trong ba năm tới, Pháp sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện đại hóa nền hành chính công thông qua các giải pháp chuyển đổi số như xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số.

Đây là một trong những nội dung của bản thỏa thuận song phương về hợp tác trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính giữa Bộ Chuyển đổi và Công vụ Cộng hòa Pháp và Bộ Nội Vụ Việt Nam mà Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery và Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà vừa ký kết. Việc ký kết thỏa thuận nằm trong khuôn khổ tuyên bố chung của Pháp và Việt Nam đã đưa ra nhân chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hồi tháng 11/2021.

Hai bộ sẽ hợp tác trong các lĩnh vực: Xây dựng Chính phủ điện tử và Chính phủ số; chuyển đổi số nền hành chính; quản lý hồ sơ, tài liệu số hình thành trong các hoạt động công vụ; chính sách bình đẳng giới; cơ hội tiếp cận nghề nghiệp bình đẳng và trách nhiệm nghề nghiệp; trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo; xây dựng khung pháp lý và hệ thống kiểm soát đạo đức công vụ; văn hóa quản lý cho lãnh đạo, quản lý các cấp; hệ thống hỗ trợ cho lãnh đạo liên quan đến phát triển kỹ năng và đánh giá kỹ năng.

Đặc biệt, quan hệ hợp tác còn được thể hiện qua việc trao đổi chuyên môn trong lĩnh vực chế độ tiền lương đối với công chức và trả lương theo vị trí việc làm; đào tạo, bồi dưỡng công chức, tập trung vào công chức địa phương và công chức làm công tác hoạch định chiến lược; tham mưu xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức viên chức theo vị trí việc làm, hệ thống đào tạo trực tuyến E-learning, hình thức đào tạo, bồi dưỡng từ xa.

Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công vụ và hiện đại hóa nền hành chính được thực hiện trong giai đoạn 2022-2025. Hình thức hợp tác giữa hai bên là tổ chức hội thảo, hội nghị diễn đàn trao đổi; hỗ trợ kỹ thuật; bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực; tổ chức các đoàn học tập, nghiên cứu, trao đổi thông tin, tài liệu, tư liệu; kết nối với các chuyên gia đầu ngành…

Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh bản thỏa thuận hợp tác này nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt trong quản trị hành chính công giữa Việt Nam và Pháp,  tiếp tục đưa ra các định hướng hợp tác thời gian tới, cũng như xác định những hoạt động hợp tác cụ thể, mang tính thiết thực, vì lợi ích của hai bên.

[Sắp xếp bộ máy, nhân sự vừa làm, vừa phải bảo đảm ổn định, hiệu lực]

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà tin tưởng rằng trong thời hạn của thỏa thuận hợp tác này và những năm tiếp theo, hai bên sẽ cùng trao đổi để nâng cao tần suất cũng như chất lượng của các hoạt động hợp tác, góp phần giúp Việt Nam xây dựng một nền công vụ “Chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả”.

Bà Nathalie Colin, Tổng cục trưởng Tổng cục Hành chính và Công vụ, đại diện cho Bộ Chuyển đổi và Công vụ khẳng định Pháp hết sức coi trọng các trao đổi trong lĩnh vực này đối với Việt Nam kể từ năm 1999. Phía Pháp nhấn mạnh rằng thỏa thuận mới này sẽ cho phép giới thiệu những đổi mới quan trọng đang được tiến hành trong nền công vụ Pháp qua việc thành lập Viện Công vụ Quốc gia và tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam về các chủ đề mà Pháp đã đóng một vai trò rất tích cực trong những năm gần đây, đặc biệt là về phát triển nền hành chính điện tử và Chính phủ số.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery khẳng định sẽ luôn cố gắng tạo mọi điều kiện và nỗ lực hết sức để giúp đỡ các đoàn công tác của Việt Nam sang học tập, trao đổi kinh nghiệm và giao lưu văn hóa. Kết quả của Thỏa thuận hợp tác sẽ tiếp tục chứng minh cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Bộ Nội vụ Việt Nam với Bộ Chuyển đổi và Công vụ Pháp nói riêng, cũng như giữa hai nước Việt Nam và Pháp nói chung./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục