Ngày Đại dương thế giới do Chính phủ Canada đề xuất vào năm 1992 tại Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tổ chức ở Rio de Janeiro (Brazil). Sau đó, ngày Đại dương thế giới được Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) thừa nhận vào Năm quốc tế đại dương 1998 tổ chức tại Lisbon (Bồ Đào Nha), Việt Nam cũng tham gia sự kiện này.
Từ năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức chọn ngày 8/6 hàng năm là Ngày Đại dương thế giới nhằm nâng cao nhận thức cho công chúng và các nhà quản lý về vai trò quan trọng của biển và đại dương trong đời sống con người, cổ vũ các hành động “vì sự bền vững của biển cả.
Ngày Đại dương thế giới thể hiện sự đoàn kết, kết nối tất cả mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Đoàn kết toàn thế giới để bảo tồn biển
Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tạ Đình Thi cho biết qua 12 năm tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới và Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước về vị trí, vai trò của biển, đại dương, về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam được nâng lên rõ rệt.
Chủ đề Ngày Đại dương thế giới năm nay là “Đại dương: Sự sống và sinh kế” đã lan tỏa ý nghĩa của đại dương đối với hoạt động sinh kế của con người và nguồn sống của các loài sinh vật trên Trái Đất, kêu gọi sự đoàn kết, kết nối mọi người trên toàn thế giới với mục tiêu bảo tồn nguồn tài nguyên biển và đại dương.
Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 5/3/2020 về Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và hướng đến Thập kỷ của Liên hợp quốc về Khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.
[Giảm thiểu rác thải nhựa trên biển: Để biển Việt Nam trong lành]
Hiện nay, ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề môi trường cấp bách ở phạm vi toàn cầu, được chính phủ các nước, tổ chức quốc tế, nhà khoa học và người dân toàn thế giới quan tâm.
Ngày càng có nhiều quốc gia đưa ra tuyên bố kêu gọi đưa ra một Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, xem xét đến các yếu tố có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
Thỏa thuận toàn cầu do Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc (UNEA) khởi xướng nếu được thông qua sẽ hỗ trợ việc thiết lập một hệ thống toàn cầu nhằm giám sát, xác minh và chia sẻ dữ liệu, cung cấp cơ sở khoa học về rác thải nhựa biển từ phạm vi quốc gia, khu vực đến toàn thế giới, đồng thời khắc phục được những thách thức trong nỗ lực giải quyết ô nhiễm nhựa toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang từng bước tăng cường các cam kết quốc gia và ủng hộ hợp tác quốc tế trong nỗ lực giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa.
Tổng Cục trưởng Tạ Đình Thi nhận định, một Thỏa thuận toàn cầu mới sẽ mang lại cơ hội phát triển các mục tiêu bền vững toàn cầu, qua đó Việt Nam đại diện khu vực trong việc kêu gọi xây dựng hiệp ước toàn cầu với các mục tiêu tham vọng và hành động mạnh mẽ trong việc chống lại ô nhiễm rác thải nhựa đại dương.
Việt Nam chủ động xây dựng Thỏa thuận toàn cầu
Triển khai thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW, hướng đến Thập kỷ của Liên hợp quốc về Khoa học biển vì sự phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng Đề án Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khẳng định: Quan điểm của Việt Nam trong quá trình thảo luận là các thách thức của rác thải nhựa đại dương là vấn đề toàn cầu nên đòi hỏi cách tiếp cận và giải pháp ở quy mô toàn cầu, nhưng phải phù hợp với các ưu tiên của khu vực ASEAN và Việt Nam.
Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia thảo luận để cùng xây dựng một Thỏa thuận về rác thải nhựa đại dương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong khuôn khổ của Liên hợp quốc, vì một đại dương xanh, hành tinh xanh, hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 14/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai Đề án "Việt Nam chủ động tham gia đàm phán và xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về chống rác thải nhựa đại dương" với quan điểm xuyên suốt là thỏa thuận, hợp tác quốc tế về rác thải nhựa đại dương phải bảo đảm thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia, dân tộc Việt Nam.
Việt Nam tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc, có trách nhiệm các nghĩa vụ liên quan đến giảm thiểu, quản lý rác thải nhựa đại dương đã cam kết trong các khuôn khổ quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt những sáng kiến của Việt Nam về rác thải nhựa đại dương; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ô nhiễm do rác thải nhựa đại dương gắn với thúc đẩy sự hỗ trợ, chia sẻ và hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới; thực hiện hiệu quả chiến lược quản lý chuỗi giá trị nhựa; tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; thực hiện hiệu quả và thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030.
Đề án đặt ra mục tiêu là Việt Nam tiên phong trong giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương; chủ động, tích cực tham gia và đề xuất hình thành các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế về phòng, chống, giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên ở Việt Nam, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam./.