Việt-Nhật chia sẻ các giải pháp, công nghệ giảm nhẹ rủi ro thiên tai

Các đại biểu cùng tham gia thảo luận các giải pháp và kỹ thuật nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường hệ thống cảnh báo sớm.
Lũ gây ngập ở thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, ngày 5/10/2019. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)
Lũ gây ngập ở thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, ngày 5/10/2019. (Ảnh: Dương Chí Tưởng/TTXVN)

Nhân Ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai (13/10), sáng 11/10, tại Hà Nội, Tổng cục Phòng, Chống thiên tai - Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, phối hợp với Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản tổ chức Hội thảo “Hợp tác Việt Nam-Nhật Bản trong quản lý thiên tai lần thứ 7: Giải pháp và kỹ thuật giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất” nhằm chia sẻ các giải pháp, công nghệ hiện đại giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra.

Bà Đoàn Thị Tuyết Nga, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Phòng, Chống thiên tai, cho biết với kinh nghiệm lâu đời về phòng chống thiên tai và trình độ khoa học công nghệ phát triển vượt trội so với các quốc gia trên thế giới, Nhật Bản đã phát triển hoàn thiện các chính sách, nghiên cứu các công nghệ hiện đại trong quản lý rủi ro do lũ quét và sạt lở đất. Nhật Bản cũng đã và đang có những chính sách hỗ trợ Việt Nam trong công tác quản lý rủi ro thiên tai nói chung và lũ quét, sạt lở đất nói riêng.

Tổng cục Phòng, Chống thiên tai đã kết hợp cùng các chuyên gia của JICA biên dịch các tài liệu, tiêu chuẩn phục vụ công tác xây dựng và quy hoạch phòng chống lũ bùn đá. Tuy vậy, để giảm thiểu rủi ro do lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam vẫn cần thêm sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học cũng như sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nước phát triển như Nhật Bản. Do vậy, Hội thảo này nhằm chia sẻ các giải pháp công trình, phi công trình; các bài học kinh nghiệm từ thực tế tại Việt Nam và các giải pháp, công nghệ hiện đại mà Nhật Bản đang sử dụng.

Giới thiệu tổng quan về sạt lở đất, lũ quét tại Việt Nam, thạc sỹ Vũ Lê Minh - Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Phòng, Chống thiên tai), cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới về thiên tai. Trong đó, lũ quét và sạt lở đất là các hình thức thiên tai gây ra nhiều thiệt hại nhất. Phần lớn các trận lũ quét đều xảy ra ở các khu vực hẻo lánh, dân cư thưa thớt. Khi lũ quét và sạt lở đất xảy ra, công tác cứu hộ cứu nạn cho các khu vực này cũng rất khó khăn.

Một ví dụ điển hình cho thấy sự tàn khốc của lũ quét là trận lũ quét ngày 3/8/2019 tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa, chỉ diễn ra trong 15 phút, nhưng đã gây ra những hậu quả nặng nề như 10 người chết và mất tích; 35 nhà sập hoàn toàn; tổng thiệt hại ước tính 120 tỷ đồng.

Việt-Nhật chia sẻ các giải pháp, công nghệ giảm nhẹ rủi ro thiên tai ảnh 1Thanh niên tình nguyện tham gia sửa chữa điểm trường Tiểu học Sa Ná-Son, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa sau trận lũ lụt. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)

Để tăng cường năng lực ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 76/NQ-CP về công tác phòng, chống thiên tai; Chỉ thị 19/CT-TTg về công tác phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất và các văn bản khác.

[Chủ động ứng phó với triều cường, mưa và ngập úng ở khu vực Nam Bộ]

Tại Hội thảo, các diễn giả trình bày một số tham luận chủ yếu xoay quanh những nội dung như kinh nghiệm ứng phó với lũ quét và sạt lở đất tại Thanh Hóa; chuyển giao tiêu chuẩn kỹ thuật phòng, chống lũ quét và sạt lở đất của Nhật Bản áp dụng tại Việt Nam; tổng quan các giải pháp ứng phó thảm họa trầm tích tại Nhật Bản (đặc biệt là lũ bùn đá); các công nghệ bảo trì và giám sát đê, các công trình trên sông và đập, cũng như giới thiệu nâng cấp đập.

Chia sẻ các giải pháp ứng phó thảm họa về trầm tích tại Nhật Bản (đặc biệt là giải pháp ứng phó lũ bùn đá), ông Naoki Imamura, Phó Trưởng quy hoạch về Sabo (Đạo luật kiểm soát xói mòn 1897), Tổng cục Quản lý thiên tai và nguồn nước (MLIT) Nhật Bản, cho biết tại Nhật Bản, khung cơ bản của các biện pháp ứng phó thiên tai trầm tích được thành lập từ năm 1969, trong đó có biện pháp công trình gồm (đập Sabo, tường chắn, công trình đóng cột…) và biện pháp phi công trình (phân vùng nguy hiểm, thông tin cảnh báo, quy định sử dụng đất...).

Hiện phân loại các biện pháp thích hợp khác nhau của Nhật Bản xuất phát từ định hướng phòng chống thiên tai, cụ thể áp dụng các biện pháp như đập ngăn hoặc vùng trữ để giữ lũ bùn đá; thoát nước ngầm, neo để ổn định độ dốc chống sạt lở đất; tường chắn để giữ đất ở độ dốc, chống trượt lở… Ngoài ra, bên cạnh việc thực hiện Đạo luật Sabo, việc duy trì bảo dưỡng các công trình cũng là nhiệm vụ của chính quyền tỉnh; ngân sách cho bảo trì và quản lý sẽ được chính quyền chuẩn bị với một số ngoại lệ.

Các đại biểu cùng tham gia thảo luận các giải pháp và kỹ thuật nhằm giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất, trong đó nhấn mạnh đến việc tăng cường hệ thống cảnh báo sớm; nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống lũ quét và sạt lở đất; ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác thông tin truyền thông; hỗ trợ trang thiết bị cảnh báo cho các địa phương có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất; tăng cường hoạt động khối doanh nghiệp tư nhân.

Các đại biểu đề xuất Chính phủ cho phép triển khai Dự án Lắp đặt thử nghiệm hệ thống quan trắc cảnh báo sớm và đập chắn bùn đá, nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai lũ quét và sạt lở đất, tại một số điểm có nguy cơ cao (giai đoạn 2020-2050)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục