Việt-Nhật chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa

Sáng 2/3, Bộ Kế hoạch-Đầu tư tổ chức hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: kinh nghiệm từ Nhật, nhằm rao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp hai nước và các bên liên quan.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Sáng 2/3, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: kinh nghiệm từ Nhật Bản nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng, nhu cầu được hỗ trợ của khu vực doanh nghiệp này và trao đổi kinh nghiệm giữa doanh nghiệp hai nước và các bên liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết Việt Nam là nước có lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối diện nhiều khó khăn, bất lợi trong quá trình phát triển cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Vì vậy, việc tổ chức sự kiện để trao đổi thông tin, kinh nghiệm là cần thiết, hướng tới sự hợp tác, chia sẻ thông tin hữu ích, hướng tới mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách hữu hiệu hơn.

Ông Hiroshi Arai, Trưởng phòng hỗ trợ kinh doanh nước ngoài thuộc Cục Doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn đóng vai trò quan trọng, được xác định là trụ cột của nền kinh tế Nhật Bản.

Nhật Bản là quốc gia sớm quan tâm, hình thành hệ thống chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và thu được những kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, doanh nghiệp được tư vấn, hướng dẫn ngay khi quyết định khởi nghiệp, tập trung vào các nội dung thiết thực về thủ tục hành chính, quy định pháp luật, cách thức tổ chức sản xuất và công nghệ, phương án tài chính…để có thể ra đời, hoạt động một cách hiệu quả.

Cơ quan chức năng của Nhật Bản cũng đã chủ động xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước thực hiện hiện đại hóa để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện sức cạnh trnah trên thị trường cũng như tham gia xuất khẩu.

Các tổ chức, đơn vị chức năng cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động tập huấn, đào tạo và thường xuyên cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp.

Thực tế cho thấy, một số tập đoàn kinh tế nổi tiếng và hùng mạnh của Nhật bản hiện nay đã đi lên, thành công từ lúc xuất phát là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Hiroshi Arai cho biết.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhìn chung phát triển ở mức độ thấp, bộc lộ nhiều điểm yếu về năng lực quản lý, nhất là công nghệ và tình trạng thiếu vốn.

Hiện, doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam mới chỉ được các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cung cấp 34% tổng nhu cầu về linh kiện và điều này đã gây khó khăn, thiếu chủ động cho doanh nghiệp Nhật Bản khi thực hiện mục tiêu nội địa hóa sản phẩm (trong khi tỷ lệ nội địa hóa ở các nước khu vực cao hơn, gấp khoảng 2 lần).

Do đó, nhu cầu các doanh nghiệp Việt Nam cần được hỗ trợ, được hoạt động trong môi trường bình đẳng, thuận lợi đang trở nên bức thiết.

Chính phủ và các bộ, ngành hữu quan đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên tinh thần cầu thị, minh bạch, thông thoáng để thúc đẩy khối doanh nghiệp này phát triển, đặc biệt là doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Các chuyên gia phía Nhật Bản nhấn mạnh, nếu không có các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc các đơn vị thuộc khu vực này hoạt động không tốt thì các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ không có chỗ dựa vững chắc; nhất là thiếu đầu mối cung cấp linh kiện, chi tiết đầu vào.

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững sẽ là nơi cung cấp việc làm, kể cả đối với người lớn tuổi, đối tượng làm việc bán thời gian…

Chính phủ Nhật Bản chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích họ tập trung vào hoạt động cải tiến, sáng tạo; triển khai kinh doanh ở nước ngoài; phát triển sản phẩm mới; cải tiến kỹ thuật…

Mặc dù vậy, các chuyên gia Nhật Bản cũng cho rằng bản thân các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng cần khắc phục một số yếu kém, tồn tại để tận dụng được nhiều cơ hội, sự hỗ trợ để tăng trưởng.

Đó là, cần công khai đầy đủ, kịp thời các thông tin hoạt động của mình, chủ động hợp tác hoặc kêu gọi sự trợ giúp của cơ quan chức năng khi có nhu cầu, cố gắng thu xếp tài sản thế chấp khi muốn vay vốn ngân hàng, tăng cường tiếp nhận thông tin, tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia trước các dấu hiệu thay đổi, khó khăn xuất hiện trên thị trường để giải quyết ổn thỏa, phòng tránh được rủi ro...

Trong bối cảnh và tình hình trên, Bộ Kế hoạch và Đâu tư đã chuẩn bị, tiến tới trình Chính phủ Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo tiền đề hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tập trung, đồng bộ và phù hợp.

Dự thảo gồm 4 chương, 40 điều với các quy định cụ thể về phân loại, chủ thể thực hiện hỗ trợ, trách nhiệm của các bên, đối tượng, nguồn lực, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục