Vietcombank lên kế hoạch tăng vốn khủng và nhận chuyển giao ngân hàng

Năm 2023 Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt khoảng 42.973 tỷ đồng và dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%.
Vietcombank dự kiến trích 21.680 tỷ đồng chia cổ tức năm 2022. (Ảnh: Vietnam+)

Ngày 21/4, Ngân hàng Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã VCB) tổ chức Đại hội đồng cổ đồng thường niên năm 2023 và thông qua nhiều nội dung quan trọng.

Trả lời câu hỏi của cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, ông Nguyễn Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết Vietcombank đang triển khai 3 phương án về tăng vốn.

Phương án thứ nhất, theo nghị quyết Đại hội đồng cổ đông năm 2022 đã thông qua là tăng vốn từ nguồn lợi nhuận năm 2020 và lợi nhuận còn lại của năm 2019, với tỷ lệ phát hành tăng vốn 18,1%. Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đề xuất tăng vốn này. Nếu không có gì thay đổi, một tháng nữa Vietcombank sẽ hoàn thành tăng vốn theo phương án này.

[Vietcombank triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội]

Phương án thứ hai, được Đại hội đồng cổ đông bất thường mới đây đã thông qua, là tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận giữ lại năm 2021 và lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 với mức tăng khoảng 27.000 tỷ đồng, tương đương vốn điều lệ tăng thêm là 58,4%. Như vậy vốn điều lệ mới dự kiến đạt khoảng 75.000 tỷ đồng. Chủ trương tăng vốn đã được Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính thống nhất và đang chuẩn bị các thủ tục để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua. Theo quy định, với mức tăng vốn như trên phải được Quốc hội thông qua.

Phương án thứ ba là kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, ngân hàng đang triển khai các bước theo thủ tục và đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Dự kiến, Vietcombank sẽ chào bán riêng lẻ cho đối tác ngoại trong năm 2023-2024.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, với lợi nhuận có thể phân phối là 29.390 tỷ đồng, Vietcombank dự kiến trích gần 1.470 tỷ đồng cho quỹ dự trự bổ sung vốn điều lệ, trích 2.939 tỷ đồng cho quỹ dự phòng tài chính và 3.291 tỷ đồng cho quỹ khen thưởng, phúc lợi...

Sau khi trích lập các quỹ và điều chỉnh khác, lợi nhuận còn lại của Vietcombank là hơn 21.680 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được Vietcombank dùng để chia cổ tức theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Về định hướng kinh doanh năm 2023, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Vietcombank cho biết sẽ đặt mục tiêu trọng tâm là kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo trần tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và thực hiện cơ cấu danh mục theo định hướng của trụ sở chính.

Một số chỉ tiêu chính dự kiến cho giai đoạn 2023-2028 là: Tăng trưởng tín dụng dự kiến từ 12%-14%/năm; tăng trưởng tổng tài sản đạt 9%-10%/năm; tăng trưởng huy động vốn từ 10%-11%/năm.

Định hướng chủ đạo của Vietcombank cho giai đoạn 2023-2028 là hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đến năm 2025 và tầm nhìn 2030: Giữ vững vị thế số 1 tại Việt Nam, đứng trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu, có đóng góp lớn vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Trên cơ sở đó, ngân hàng đặt kế hoạch kinh doanh 2023 với các chỉ tiêu chính như lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 15% so với năm 2022, dự kiến đạt khoảng 42.973 tỷ đồng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Vietcombank sẽ sớm trở thành ngân hàng đầu tiên cán mốc lợi nhuận 2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến tổng tài sản tăng 9%; dư nợ tín dụng tăng tối đa 14%; huy động vốn tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng tín dụng; tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) không cao hơn mức thực hiện năm 2022; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,5%; tỷ lệ chi trả cổ tức theo phê duyệt của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, Vietcombank đã hoàn thiện nội dung phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng và đang đợi cấp thẩm quyền phê duyệt.

Ông Phạm Quang Dũng cho biết ngân hàng cũng đã xây dựng xong phương án nhận chuyển giao và trình lên các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền được để chờ phê duyệt. Ngay sau khi nhận được quyết định phê duyệt, Vietcombank sẽ tổ chức thực hiện. Hiện nay, ngân hàng đang rất tích cực chuẩn bị nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém.

Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại tên của tổ chức này chưa được công bố chính thức.

Giao dịch tại Vietcombank. (Ảnh: Vietnam+)

Cũng tại Đại hội, Vietcombank thực hiện bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới 2023- 2028. Theo đó, ngân hàng nâng số lượng thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028 lên 11 thành viên, trong đó có 1 thành viên Hội đồng quản trị đại diện vốn nước ngoài và 1 thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Trước mắt, tại Đại hội lần này bầu 8 thành viên Hội đồng quản trị với cơ cấu như sau: Bầu tái cử 6 thành viên gồm ông Phạm Quang Dũng (Chủ tịch Hội đồng quản trị), ông Nguyễn Thanh Tùng (thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc), ông Đỗ Việt Hùng, ông Nguyễn Mỹ Hảo, ông Nguyễn Mạnh Hùng, ông Hồng Quang (thành viên Hội đồng quản trị).

Bên cạnh đó, Vietcombank bầu tái cử ông Shojiro Mizoguchi, thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm nhiệm kỳ 2018-2023 tiếp tục tham gia nhiệm kỳ mới. Ông Shojiro Mizoguchi là người đại diện vốn nhà đầu tư nước ngoài do cổ đông Mizuho đề cử.

Về thành viên độc lập, ông Trương Gia Bình, thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2018-2023 không tiếp tục đảm nhiệm chức vụ này theo nguyện vọng cá nhân.

Nhân sự thay thế là ông Vũ Viết Ngoạn. Ông Ngoạn sinh năm 1958, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc công ty cổ phần Viet Lotus.

Ông Ngoạn từng là nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nguyên tổ tưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vietcombank (giai đoạn 2000-2007)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục