VietinBank: Duy trì động lực tăng trưởng bền vững, tăng cường chuyển đổi số

Kết thúc 6 tháng đầu năm, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank là 113,8%, tiếp tục duy trì ở mức cao. CASA đạt gần 334.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm.
VietinBank duy trì động lực tăng trưởng bền vững, tăng cường chuyển đổi số. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2024 và định hướng hoạt động các tháng cuối năm 2024.

Kết quả kinh doanh tích cực

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều biến động, ngành tài chính ngân hàng gặp không ít khó khăn, thách thức, VietinBank tiếp tục triển khai chiến lược kinh doanh vừa thận trọng vừa linh hoạt nhằm thích ứng với những chuyển biến liên tục của thị trường, đồng thời tuân thủ nghiêm túc các định hướng điều hành của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, qua đó đồng hành, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Kết thúc quý 2/2024, các chỉ tiêu kinh doanh của VietinBank đều duy trì nhịp độ tăng trưởng ổn định, thể hiện tính bền vững, gắn kết và cân đối giữa huy động và tín dụng, đa dạng hóa nguồn thu, đảm bảo chất lượng tín dụng và nguồn vốn cho vay.

Cụ thể, VietinBank luôn chú trọng việc tối ưu hóa bảng cân đối kế toán trên cơ sở tăng trưởng nguồn vốn huy động vững chắc, tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Theo đó, tổng tài sản đạt 2,16 triệu tỷ đồng, tăng 6,3% so với đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 1,57 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với đầu năm. VietinBank tiếp tục là ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn toàn ngành (6%). Tiền gửi khách hàng đạt 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của VietinBank đạt gần 334.000 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm; tỷ trọng CASA đạt gần 22,8%, tăng 0,3% so với đầu năm.

Bên cạnh đó tổng thu nhập hoạt động trong quý 2/2024 đạt 38.700 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó một số khoản thu tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực như thu nhập lãi thuần (không gồm thu phí bảo lãnh), đạt 29.600 tỷ đồng, tăng 19,5% so với cùng kỳ nhờ việc cải thiện quy mô đi đôi với nâng cao hiệu quả sinh lời từ tái cấu trúc danh mục tín dụng và kiểm soát rủi ro.

Thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối duy trì đà tăng trưởng, đạt 2.500 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ do VietinBank tiếp tục tập trung vào phân khúc khách hàng FDI, doanh nghiệp vừa và nhỏ và bán lẻ, chuyển dịch mạnh mẽ các giao dịch tại quầy sang giao dịch FX online trên nền tảng eFAST và iPay. VietinBank tiếp tục đứng tốp đầu về cả doanh số và thị phần kinh doanh ngoại tệ trên thị trường.

Tỷ lệ chi phí hoạt động/tổng thu nhập hoạt động (CIR) của VietinBank trong quý 2/2024 đạt 25,5%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2023 (26%). VietinBank tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng và quản trị chi phí hoạt động, ưu tiên cho các hoạt động thúc đẩy kinh doanh, chuyển đổi số và các dự án trọng điểm của ngân hàng.

Bà Phạm Thị Thanh Hoài - thành viên Hội đồng quản trị (bên phải) chủ trì hội nghị. (Ảnh: Vietnam+)

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro trong quý 2/2024 đạt 28.800 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất ngành ngân hàng. Mặc dù VietinBank chủ động dành nguồn lực để trích lập dự phòng rủi ro theo đúng quy định nhằm gia tăng bộ đệm dự phòng tài chính cho hoạt động của ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn ghi nhận kết quả tích cực, đạt 13.000 tỷ đồng, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay cuối quý 2/2024 ở mức 1,57%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 113,8%, tiếp tục duy trì ở mức cao. Các chỉ tiêu hiệu quả tiếp tục ghi nhận sự cải thiện so với cuối năm 2023: Bên lãi ròng (NIM) đạt 3,01%, tăng nhẹ so với cuối năm 2023; tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần lượt đạt 1,24% và 15,99%.

Cũng tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Hoài - thành viên Hội đồng quản trị đã chia sẻ với các nhà đầu tư, cổ đông về triển vọng/động lực tăng trưởng tín dụng, kết quả và triển vọng thu ngoài lãi, xu hướng lãi suất/tỷ giá, kiểm soát chất lượng tài sản, hoạt động chuyển đổi số của ngân hàng.

Đẩy nhanh triển khai chuyển đổi số toàn diện

Chương trình chuyển đổi số của VietinBank giai đoạn 2024-2028 gồm 108 sáng kiến theo 29 nhóm chủ điểm gắn liền với chiến lược kinh doanh trung và dài hạn của VietinBank, tác động mạnh mẽ, toàn diện tới các mảng nghiệp vụ trọng yếu. Trong đó, để đảm bảo sử dụng nguồn lực tập trung và tối ưu hóa, 45 sáng kiến được ưu tiên triển khai trong năm 2024, bao gồm 18 sáng kiến đến từ các khối kinh doanh, 27 các sáng kiến nền tảng, hỗ trợ từ các Khối công nghệ thông tin, pháp chế, quản lý rủi ro, nhân sự…

Kết thúc quý 2/2024, trong 45 sáng kiến được triển khai, 10 sáng kiến chuyển đổi số về kinh doanh đã thử nghiệm hoặc triển khai toàn hàng. Dự kiến trong quý 3/2024, 2 sáng kiến chuyển đổi số về kinh doanh khác sẽ tiếp tục được triển khai thí điểm.

Đặc biệt, VietinBank cũng tập trung vào các sáng kiến nền tảng về công nghệ thông tin thông qua việc đầu tư về hạ tầng, công nghệ, dữ liệu, thay đổi cơ chế quản trị ngân hàng, áp dụng phương thức làm việc Agile. Đầu năm 2024, VietinBank đã thành lập Nhà máy số (Digital Factory) để triển khai các sáng kiến theo phương pháp làm việc Agile với mục tiêu lan tỏa phương pháp, tư duy làm việc mới, đem lại các sản phẩm số chất lượng, liên tục được cải tiến với thời gian nhanh chóng.

Với triết lý hoạt động “Khách hàng là trung tâm,” VietinBank ra mắt những sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại, dẫn đầu thị trường với hàm lượng công nghệ cao, qua đó mang đến những trải nghiệm tốt hơn và hoàn thiện hơn cho khách hàng.

Toàn cảnh Hội nghị cập nhật kết quả kinh doanh quý 2/2024. (Ảnh: Vietnam+)

Kết thúc quý 2/2024, ứng dụng VietinBank iPay Mobile dành cho khách hàng cá nhân đã thu hút được 8,4 triệu khách hàng sử dụng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng giao dịch qua kênh iPay đạt 868 triệu giao dịch, tăng 73,3% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng giao dịch qua kênh iPay có sự cải thiện mạnh mẽ, đạt 91,2% tổng giao dịch khách hàng cá nhân (so với mức 86,6% tại thời điểm quý 2/2023). VietinBank iPay Mobile không chỉ là ứng dụng ngân hàng số mà còn là hệ sinh thái số, kết nối tới hơn 2.400 nhà cung cấp dịch vụ, giúp khách hàng tận hưởng cuộc sống trọn vẹn, tối ưu nhất theo tiêu chí “All-in-one”.

Đối với khách hàng doanh nghiệp, ứng dụng eFAST được xem như trợ lý tài chính số với hơn 130 tính năng đã thu hút 244.000 doanh nghiệp sử dụng; tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023. Số lượng giao dịch trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 19 triệu giao dịch, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ trọng giao dịch qua kênh eFAST đạt 83%.

Tập trung nguồn lực xoay quanh 4 trụ cột phát triển

Với kỳ vọng tạo năng lực cạnh tranh vượt trội và mang lại trải nghiệm tối ưu cho khách hàng, VietinBank xác định 4 trụ cột phát triển chính gồm: Kinh doanh truyền thống, chuyển đối số, hệ sinh thái, tích hợp ESG (Môi trường, xã hội, quản trị). Cùng với nâng cao năng lực tài chính, tiên phong áp dụng các chuẩn mực quốc tế trong vận hành, hoạt động chuyển đổi số tại VietinBank sẽ tạo động lực cho Ngân hàng củng cố nền tảng quan trọng, mở rộng hệ sinh thái, nâng cao chất lượng dịch vụ với các sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, VietinBank đã và đang coi thực hành ESG, thúc đẩy tài chính bền vững, tài chính khí hậu là một trọng tâm trong hoạt động của mình và sẽ tiếp tục có các sáng kiến trong thời gian tới, hướng đến tạo sự lan tỏa với các bên liên quan để cùng xây dựng và kiến tạo cộng đồng bền vững./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục