Viettel phát triển nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng

Viettel đã chủ động mở rộng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có rất nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng.
Radar do Viettel sản xuất. (Ảnh: Nguyễn Trần/Vietnam+)

Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đang hướng đến mô hình của một Tập đoàn khoa học-công nghệ hàng đầu Việt Nam.

Tạo nguồn lực cho quốc gia

Phát triển khoa học và công nghệ được coi là một giải pháp mang tính chiến lược giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, vấn đề này chưa được nhiều doanh nghiệp chú trọng, do cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, trong thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp thành công từ việc coi trọng đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học-công nghệ.

Với việc thành lập Viện nghiên cứu riêng vào năm 2010, Viettel phát triển theo mô hình của các tập đoàn lớn trên thế giới.

Viettel đã trích 10% lợi nhuận trước thuế cho Quỹ Phát triển khoa học-công nghệ, tương đương với khoảng 2.500 tỷ đồng.

Với mức đầu tư như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, các sản phẩm quan trọng bậc nhất phục vụ cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông của Viettel làm ra đã đáp ứng được nhu cầu của sự phát triển doanh nghiệp.

Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel (Viettel R&D) là một trong những nơi nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ tiên tiến phục vụ cho cả mục đích dân sự và mục đích quốc phòng như hệ thống radar quản lý vùng trời, các máy thông tin quân sự, máy bay không người lái (UAV), điện thoại thông minh, máy tính bảng...

Thượng tá Nguyễn Đình Chiến, Giám đốc Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel, cho biết hiện nay Viện có 500 cán bộ nghiên cứu.

Theo kế hoạch, đến năm 2015, Viện sẽ có 1.000 cán bộ; đến năm 2018 sẽ có khoảng 2.000 cán bộ.

Đến nay, Viettel đã thu hút và tự đào tạo được cho mình 4.000 chuyên gia, kỹ sư, trong đó có hơn 100 kiến trúc sư, kỹ sư trình độ cao có khả năng khai thác làm chủ công nghệ, có khả năng nghiên cứu, sản xuất thiết bị điện tử-viễn thông, công nghệ thông tin và thiết bị quân sự.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong thời gian qua, Viettel đã liên tục cử cán bộ đi đào tạo tại các nước có trình độ công nghệ hàng đầu thế giới để đào tạo chuyên sâu về nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử-viễn thông.

Cuối năm 2013 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thẩm định và chính thức cấp phép cho Dự án “Đầu tư tổ hợp nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, sản xuất thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin và các sản phẩm công nghệ cao" do Viettel làm chủ đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).

Với tổng số vốn khoảng 100 triệu USD, dự án này được triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất các thiết bị công nghệ cao của Viettel nói riêng và đất nước nói chung; tăng khả năng làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo, sản xuất thiết bị viễn thông đáp ứng nhu cầu phát triển của Viettel và sự bùng nổ thị trường công nghệ thông tin, đưa các ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực trong đời sống kinh tế-xã hội; từng bước làm chủ công nghệ để phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng của đất nước.

Từ tổ hợp này, Viettel sẽ thiết kế các sản phẩm phục vụ lĩnh vực thông tin quân sự, hệ thống radar, định vị từ xa, các thiết bị và sản phẩm ứng dụng trong quản lý thông tin cá nhân, thông tin bảo mật an ninh quốc gia, các lĩnh vực nhạy cảm không thể thuê hoặc đặt hàng sản xuất tại nước ngoài.

Qua đó, tổ hợp này sẽ góp phần giúp Viettel hiện thực hóa mục tiêu trở thành nhà sản xuất cung cấp thiết bị điện tử viễn thông hàng đầu trong khu vực.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và Viettel đều khẳng định, dự án này sẽ là một kênh thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao (trong và ngoài nước) trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế, và chế tạo thiết bị điện tử cũng như các lĩnh vực liên quan, đóng góp vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khẳng định những nghiên cứu và sản phẩm khoa học-công nghệ trong lĩnh vực thông tin giàu chất sáng tạo của Viettel có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với quân đội cũng như sự nghiêp phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của đất nước.

Góp phần hiện đại hóa quân đội

Sau khi đã có đủ tiềm lực về kinh tế, Viettel đã chủ động mở rộng nghiên cứu, phát triển các sản phẩm công nghệ cao, trong đó có rất nhiều sản phẩm phục vụ quốc phòng. Điều này thể hiện tinh thần trách nhiệm của Viettel đối với đất nước.

Hiện nay, Viettel đang tham gia nghiên cứu, sản xuất các thiết bị hiện đại cho ba trong bốn lĩnh vực đã được Bộ Quốc phòng chọn để đi thẳng lên hiện đại là Phòng không-Không quân, Hải quân, Thông tin liên lạc.

Cục Tác chiến điện tử đã được Viettel cung cấp miễn phí đường truyền tốc độ cao.

Viettel không xin ngân sách nhà nước mà trích 10% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để thực hiện việc nghiên cứu phát triển.

Máy bay không người lái do Viettel nghiên cứu, sản xuất. (Ảnh: Nguyễn Trần/Vietnam+)

Việc Viettel tham gia nghiên cứu, chế tạo các thiết bị quân sự công nghệ cao đã giúp tiết kiệm được rất nhiều cho ngân sách quốc gia.

Một bộ radar mua của nước ngoài có giá nhiều triệu USD thì một bộ radar do Viettel sản xuất có tính năng tương tự giá chỉ 2 triệu USD.

Kể về chuyện nghiên cứu, chế tạo hệ thống quản lý vùng trời, Thượng tá Nguyễn Đình Chiến cho biết trước đó một đối tác nước ngoài đã chào hàng hệ thống này với giá 100 triệu USD.

Khi Viettel đặt vấn đề chuyển giao công nghệ thì đối tác không đồng ý. Ba tháng sau, đối tác quay lại thì Viettel đã tiến được những bước rất đáng kể trong việc nghiên cứu hệ thống nói trên.

Đối tác đồng ý chuyển giao công nghệ hệ thống với giá 60 triệu USD. Viettel không chấp nhận. Khi nhìn thấy những gì Viettel đã làm được, đối tác chấp nhận giảm giá chuyển giao công nghệ xuống còn 20 triệu USD.

Trong năm 2013, Viettel cũng đã thử nghiệm thành công máy bay không người lái (UAV).

Lãnh đạo Viettel cho hay, những mẫu UAV hiện tại của Viettel chế tạo là thiết bị hạng nhẹ phục vụ công tác trinh sát chiến dịch, chiến thuật, có thể trang bị cho các đơn vị bộ binh cấp trung đoàn trở lên hoặc các đảo nhỏ, căn cứ hải quân.

Trên cơ sở thành công của thiết bị này, Viettel sẽ hướng tới các thiết bị bay lớn hơn có tầm bao quát được 300-400km để tăng cường khả năng giám sát trên vùng biển Việt Nam.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng đánh giá, trong thời gian qua, nhất là năm 2013, Viettel đã cung cấp nhiều thiết bị quân sự công nghệ cao góp phần hiện đại hóa quân đội.

Với giá thành các sản phẩm rẻ, với một số lượng trang bị lớn cho quân đội thì ước tính ngân sách sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Giá thành rẻ cũng tạo cơ hội để các thiết bị được trang bị rộng rãi hơn trong toàn quân.

Với việc tự chủ được công nghệ, các sản phẩm thông tin quân sự của Viettel tăng được tính bảo mật - một yêu cầu rất quan trọng trong tác chiến.

Thành công bước đầu của Viettel trong nghiên cứu, chế tạo thiết bị công nghệ cao là minh chứng hùng hồn cho thấy nếu có khát vọng, có dũng khí để vượt qua thách thức thì người Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên trong khoa học-công nghệ.

Đánh giá về những đóng góp của Viettel đối với nền quốc phòng đất nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, cho rằng: "Những thiết bị thông tin quân sự hiện nay của chúng ta do Việt Nam sản xuất đủ sức đảm bảo bí mật, an toàn cho hệ thống thông tin trong lực lượng vũ trang."

"Những trang thiết bị vũ khí lớn và hiện đại chúng ta vẫn phải nhập khẩu. Nhưng song song đó, nhờ áp dụng thành tựu nghiên cứu sáng tạo của người Việt nam, chúng ta đã cải tiến được những vũ khí được sản xuất từ nhiều năm trước đây có tính năng không thua kém các loại vũ khí hiện đại mới được sản xuất hiện nay. Và chúng ta đã có thể hoàn toàn yên tâm với việc bảo vệ vùng trời Tổ quốc"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục