Vinalines phấn đấu hoàn thành cổ phần hóa vào đầu năm 2015

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và các đơn vị thành viên đang thực hiện tái cơ cấu và cổ phần, phấn đấu sớm kết thúc vào năm 2015.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) và các đơn vị thành viên đang thực hiện tái cơ cấu và cổ phần, phấn đấu sớm kết thúc vào năm 2015.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Triêu Thanh, Phó Tổng giám đốc Vinalines về kết quả thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty mẹ và các đơn vị thành viên đến thời điểm này.


- Ông có thể đánh giá chung về kết quả thực hiện việc cổ phần hóa Vinalines và các đơn vị thành viên đến thời điểm này?

Ông Lê Triêu Thanh: Theo Đề án Tái cơ cấu Vinalines giai đoạn 2012-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 276/QĐ-TTg ngày 4/2/2013, Vinalines sẽ cổ phần hóa 12 doanh nghiệp thành viên và cổ phần hóa Công ty mẹ trong giai đoạn đến 2015.

Mặc dù còn gặp một số khó khăn trong quá trình thực hiện nhưng công tác cổ phần hóa của Tổng công ty đã được triển khai theo đúng các quy định và cơ bản đáp ứng được tiến độ đã đề ra.

Một số kết quả cụ thể như sau: Năm 2013, Tổng công ty đã triển khai cổ phần hóa bảy doanh nghiệp thành viên, trong đó hết năm 2013, đã có hai doanh nghiệp là Cảng Quy Nhơn và Cảng Khuyến Lương hoàn thành công tác cổ phần hóa.

Bước sang năm 2014, Tổng công ty có kế hoạch tiếp tục triển khai cổ phần hóa thêm năm doanh nghiệp thành viên.

Như vậy, trong năm nay, Vinalines đang thực hiện các bước của công tác cổ phần hóa đối với 10 doanh nghiệp thành viên gồm các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ Tĩnh, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh, Sài Gòn, Cần Thơ, Năm Căn và Công ty Vinalines Nha Trang.

​Đến thời điểm hiện nay, Tổng công ty đã tổ chức chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đối với năm doanh nghiệp là các cảng Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang và Công ty Vinalines Nha Trang.

Sau khi IPO, hai doanh nghiệp là Cảng Hải Phòng và Cảng Nha Trang đã hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp, hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần, ba doanh nghiệp đang thực hiện nốt các thủ tục chuyển sang công ty cổ phần.

​Đối với năm doanh nghiệp là các cảng Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, Sài Gòn, Cần Thơ và Năm Căn, các doanh nghiệp đã được phê duyệt kế hoạch tiến độ cổ phần hóa và đang phối hợp cùng đơn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2014, Tổng công ty sẽ hoàn thành công tác IPO đối với năm doanh nghiệp này.

Đối với Tổng công ty, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, Vinalines đã triển khai sớm công tác cổ phần hóa Công ty mẹ để phấn đấu hoàn thành việc xây dựng phương án cổ phần hóa trong năm 2014 và tiến hành công tác IPO vào quý 1/2015.

Hiện nay, Tổng công ty đang phối hợp với tổ chức tư vấn định giá thực hiện công tác xác định giá trị doanh nghiệp.

- Được biết trong quá trình thực hiện chủ trương cổ phần hoá đã nảy sinh một số khó khăn, vướng mắc. Vậy những khó khăn, vướng mắc đó đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Triêu Thanh: Trong quá trình triển khai công tác cổ phần hóa, Công ty mẹ và các đơn vị thành viên đã gặp không ít những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tuy nhiên, được sự hướng dẫn, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ ngành, đặc biệt là sự hỗ trợ của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính, các khó khăn, vướng mắc đã dần được tháo gỡ.

Một trong vướng mắc chủ yếu là công tác xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Cụ thể, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, phương án sử dụng đất là cơ sở để xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa.

Theo quy định, trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có ý kiến chính thức đối với các lô đất doanh nghiệp sẽ tiếp tục sử dụng sau cổ phần hóa và giá đất làm căn cứ xác định giá trị doanh nghiệp...

Tuy nhiên, trên thực tế, các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc có được ý kiến chính thức của ủy ban nhân dân các tỉnh đối với phương án sử dụng đất theo đúng thời gian quy định.

Một số doanh nghiệp của Tổng công ty có các tài sản được Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn ODA nên cần phải thực hiện các thủ tục giao tài sản, quyết toán vốn đầu tư, dẫn đến việc kéo dài thời gian xác định giá trị doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số tài sản được Nhà nước đầu tư từ nhiều năm trước đây, khi các quy định pháp luật về quyết toán và bàn giao tài sản chưa rõ ràng, khiến việc thu thập hồ sơ, tài liệu phục vụ công tác xác định giá trị doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Khi Tổng công ty triển khai công tác cổ phần hóa một số doanh nghiệp có quy mô lớn, số lượng tài sản nhiều nên việc định giá tài sản cần nhiều thời gian, phí dịch vụ tư vấn định giá, chi phí thực hiện cao trong khi định mức chi phí theo quy định hiện nay (tối đa 500 triệu đồng) thấp hơn nhiều thực tế có thể phát sinh, trong khi các quy định phê duyệt mức vượt trần này là chưa rõ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp là đơn vị hạch toán phụ thuộc muốn thực hiện cổ phần hóa phải qua bước chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Trong khi đó, việc triển khai chuyển đổi và hoàn tất các thủ tục chuyển đổi để chuyển giao tài sản, nguồn vốn và các thủ tục pháp lý khác phải mất nhiều tháng làm chậm kế hoạch cổ phần.

Không chỉ vậy, một số doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện IPO trong thời gian vừa qua không bán hết số lượng cổ phần chào bán. Nhiều nhà đầu tư đã chấp nhận việc mất phần tiền đã đặt cọc mua cổ phần do tâm lý còn lưỡng lự trước bối cảnh kinh tế và thị trường còn khó khăn hiện nay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa của Tổng công ty có mức vốn điều lệ lớn, số lượng cổ phần phát hành lần đầu nhiều.

Tổng công ty đã bằng nhiều biện pháp kêu gọi các nhà đầu tư tham gia làm cổ đông chiến lược hoặc tham dự đấu giá. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính để có thể trở thành cổ đông chiến lược và tham gia đấu giá cổ phần với số lượng lớn chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước lại bị hạn chế bởi các quy định về không được đầu tư ngoài ngành.

Các nhà đầu tư cá nhân thì chỉ có thể mua và chiếm tỷ lệ sở hữu cổ phần nhỏ. Đối với quá trình cổ phần hóa Công ty mẹ, để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, ngay trong năm 2014 với thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là 1/1/2014 theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải dẫn tới Vinalines gặp khó khăn trong việc xử lý những tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định.

Một số doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng công ty tiếp nhận từ Vinashin (Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy cũ) có hoạt động kinh doanh thua lỗ trong nhiều năm, thậm chí ngừng trệ hoạt động sản xuất kinh doanh, vốn điều lệ cao hơn nhiều so với vốn thực có. Nếu không xử lý nghĩa vụ chủ sở hữu về cấp vốn tại các doanh nghiệp này sẽ là gánh nặng cho công ty cổ phần.

​- Thời gian tới, Vinalines sẽ thực hiện những giải pháp gì để đảm bảo tiến trình cổ phần hóa về đích đúng hạn?

Ông Lê Triêu Thanh: ​Với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, Tổng công ty quyết tâm đảm bảo tiến trình cổ phần hóa về đích đúng hạn.

Trong thời gian tới, một số giải pháp được đưa ra như sau: Tổng công ty tập trung xây dựng phương án xử lý nợ theo Nghị quyết số 30/NQ-CP trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để có thể xử lý phần nào các khoản nợ, giúp việc xác định giá trị doanh nghiệp được sát thực tế hơn.

Tuy nhiên, Vinalines cũng độc lập việc xử lý tái cơ cấu nợ với công tác cổ phần hóa doanh nghiệp để đảm bảo tiến độ công tác cổ phần hóa. Kết quả của công tác tái cơ cấu nợ là căn cứ để điều chỉnh kết quả xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Trong quá trình thực hiện công tác cổ phần hóa tại Công ty mẹ cũng như tại các đơn vị thành viên, Tổng công ty và các đơn vị thành viên xây dựng kế hoạch chi tiết việc thực hiện từng bước thủ tục trong quy trình cổ phần hóa và luôn bám sát tiến độ kế hoạch đã được phê duyệt nhằm rà soát, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh.

Đối với cổ phần hóa các đơn vị thành viên, Tổng công ty thành lập các ban chỉ đạo cổ phần hóa gồm những cán bộ có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, dày dạn kinh nghiệm nhằm chỉ đạo một cách hiệu quả nhất đối với công tác cổ phần hóa tại các đơn vị thành viên.

Các ban chỉ đạo thường xuyên nhóm họp, rà soát tiến độ và kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Tổng công ty trong việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp công tác cổ phần hóa diễn ra theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục