Vinh danh các giáo sư quốc tế có nhiều đóng góp cho Việt Nam

Các giáo sư được vinh danh là những người đã có nhiều đóng góp thiết thực cho công tác thủy lợi, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam.
Các giáo sư trong lễ vinh danh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các giáo sư trong lễ vinh danh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Sáng nay, ngày 27/9, Đại học Thủy lợi đã tổ chức vinh danh 8 giáo sư đến từ các trường đại học quốc tế đã có có nhiều đóng góp cho công tác thủy lợi, môi trường, biến đổi khí hậu tại Việt Nam thông qua việc trao chứng nhận giáo sư thỉnh giảng.

Tiêu biểu có thể kể đến như giáo sư Nguyễn Văn Thanh Vân, chuyên gia hàng đầu về Biến đổi khí hậu của Đại học McGill, Canada. Giáo sư Nguyễn Văn Thanh Vân là giáo sư chuyên ngành Kỹ thuật Công trình và được phong tặng danh hiệu cao quý nhất tại Đại học McGill - Endowed Brace Chair - từ năm 1998 đến nay.

Ông được quốc tế công nhận về các nghiên cứu của mình trong lĩnh vực thủy văn và quản lý tài nguyên nước. Ông là tác giả hoặc đồng tác giả của hơn 250 ấn phẩm có ảnh hưởng trong các tạp chí uy tín, tài liệu chuyên ngành, hướng dẫn kỹ thuật và báo cáo hội thảo.

Là một nhà nghiên cứu xuất sắc với chuyên môn khoa học sâu rộng, Giáo sư Vân đã được mời làm thành viên của nhiều ban biên tập tạp chí quốc tế (Tạp chí Kỹ thuật thủy văn ASCE, Tạp chí nghiên cứu môi trường thủy văn IAHR, Tạp chí thủy văn IAHR, v.v.). Ngoài ra, ông cũng được mời làm chuyên gia tại các trường đại học ở Úc, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam và tham gia nhiều dự án trong nước và quốc tế.

[Việt Nam lần đầu tổ chức hội thảo quốc tế về kỹ thuật biển APAC]

Phó giáo sư Hiroshi Takagi, Trường Môi trường và Xã hội, Viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Tech), có 20 năm kinh nghiệm tham gia các dự án giảm nhẹ thiên tai. Năm 2017, phó giáo sư Takagi đã được Bộ Giáo dục Nhật Bản trao giải thưởng NISTEP cho nhà khoa học trẻ xuất sắc nhất trong lĩnh vực khoa học.

Hiện nay, ông đặc biệt quan tâm đến nghiên cứu, đánh giá tính dễ bị tổn thương của các nước đang phát triển chống lại thảm họa vùng ven biển, trong bối cảnh phát triển kinh tế và biến đổi khí hậu. Từ đó, ông đưa ra các biện pháp đối phó khả thi, bao gồm không chỉ các biện pháp công trình mà còn sử dụng các giải pháp tổng hợp như hệ thống cảnh báo sớm thay đổi hệ sinh thái ven biển.

Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan là bốn quốc gia mà phó giáo sư Takagi đã tích cực thực hiện các dự án nghiên cứu trong thập kỷ qua, được tài trợ bởi JST, JSPS, Bộ Môi trường, AUN/Seed-Net JICA , và nhiều tổ chức cá nhân khác.

Vinh danh các giáo sư quốc tế có nhiều đóng góp cho Việt Nam ảnh 1Đại học Thủy lợi ký kết hợp tác với Đại học Kỹ thuật, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Giáo sư Nguyễn Văn Thịnh là Giám đốc Phòng thí nghiệm Động lực học tính toán và là phó giáo sư tại Khoa Kỹ thuật Công trình và Môi trường, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc. Ông cũng giữ chức Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hiệp hội tài nguyên nước Hàn Quốc, thành viên của Hội đồng tư vấn quốc tế các trường đại học kỹ thuật, và của Đại học quốc gia Seoul. Ông cũng đồng thời là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kỹ thuật, Đại học Guelph, Canada. Ông đã xuất bản hơn 120 bài báo trên các tạp chí có uy tín và các hội nghị quốc tế.

Ông nghiên cứu tập trung vào cơ học chất lỏng, động lực học tính toán và mô hình số cho kỹ thuật công trình và môi trường. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc phát triển các mô hình số và công cụ phần mềm hiệu quả cho các ứng dụng khác nhau trong tài nguyên nước, thủy lực, môi trường và kỹ thuật ven biển. Những công cụ số này đã đóng góp thiết thực cho một số dự án ở Đức, Canada, Hàn Quốc và Việt Nam. Ông là người đồng sáng lập và trưởng phòng thí nghiệm khoa học môi trường, Viện Công nghệ và Khoa học máy tính, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam.

Giáo sư Alexis Drogoul, Giám đốc Viện IRD tại Việt Nam và Philippines. Hiện giáo sư Alexis Drogoul đang tích cực làm việc tại Việt Nam để tăng cường năng lực nghiên cứu cho các nhóm nghiên cứu về thiết kế các mô hình hỗ trợ các giải pháp ứng phó với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu trong các dự án nghiên cứu quốc tế.

Cũng trong chương trình lễ vinh danh, Đại học Thủy lợi đã ký kết hợp tác với Đại học Kỹ thuật, Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc về các nội dung cơ bản như trao đổi giảng viên, sinh viên; hợp tác nghiên cứu khoa học; trao đổi tài liệu học tập, giáo dục và học thuật.

Lễ vinh danh là hoạt động thiết thực nhằm tri ân các nhà khoa học quốc tế đã có nhiều đóng góp cho vấn đề thủy lợi, bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Đây là một trong những sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế về cửa sông ven biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APAC) do Đại học Thủy lợi tổ chức từ ngày 26 đến 28/9./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục