Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ tại địa phương phát triển bền vững, những năm qua tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ hoạt động.
Nhiều ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ
Ðể thực hiện mục tiêu này, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều hoạt động mời gọi đầu tư, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư.
Điển hình là Nghị quyết số 57/2016 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về một số biện pháp đặc thù thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 39/2017 của Ủy ban Nhân dân tỉnh quy định về hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND của tỉnh về ban hành quy chế quản lý và sử dụng kinh phí phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Vĩnh Phúc.
Trong số quyết định trên, với Quyết định 23/2019 tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể như hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ…
Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết đến năm 2025, ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Phúc sẽ trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.
Bên cạnh các cơ chế, chính sách từ Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã và đang tập trung nhiều giải pháp thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Đóng góp vào phát triển công nghiệp tại địa phương
Toàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 240 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hoặc có liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào các nhóm ngành chủ yếu như công nghiệp cơ khí; ôtô, xe máy; dệt may; điện tử, tin học; vật liệu xây dựng.
[Tạo hành lang pháp lý toàn diện để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ]
Đây là nền tảng cho các ngành công nghiệp phát triển theo hướng sử dụng công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao, nâng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực, phấn đấu trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Lĩnh vực sản xuất này đang khẳng định năng lực và sức cạnh tranh mạnh mẽ. Sáu tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều chịu tác động bởi đại dịch COVID-19, giá trị sản xuất ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt trên 145.910 tỷ đồng, tăng hơn 26% so với cùng kỳ năm 2020. Hầu hết các nhóm sản phẩm chủ lực ngành công nghiệp hỗ trợ đều tăng cao; trong đó, ngành sản xuất xe ôtô các loại tăng 49%, linh kiện điện tử tăng 34%...
Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng tốt những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh, chủ động điều chỉnh tăng vốn, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, đổi mới mẫu mã, nâng cao cấp lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Qua đó, không chỉ giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, tăng thu ngân sách Nhà nước, mà còn góp phần thúc đẩy các ngành công nghiệp chủ lực của địa phương phát triển cũng như tăng sức hấp dẫn đối với môi trường đầu tư của tỉnh.
Công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Vĩnh Phúc đã thu hút hàng chục nghìn lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Đối với lao động phổ thông làm việc ở các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều có mức lương bình quân từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng; lao động kỹ thuật, lao động có trình độ chuyên môn tay nghề cao mức thu nhập lên tới 12 đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cho biết hầu hết các doanh nghiệp tiêu biểu có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của tỉnh đều có trình độ khoa học công nghệ cao, tích cực tham gia chuyển giao kỹ năng quản lý cho cán bộ lãnh đạo quản lý và giới chuyên môn là người Việt, thúc đẩy đổi mới sáng tạo công nghệ đối với các doanh nghiệp, phát triển kỹ năng và tác phong công nghiệp của lực lượng lao động trong nước...
Chính điều này cũng đòi hỏi giới chuyên môn, cán bộ kỹ thuật, người quản lý, lao động không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thông qua các hình thức học tập để tồn tại và phát triển. Đó là một động lực giúp Vĩnh Phúc phát triển thần kỳ, tạo động lực giúp quê hương "khoán hộ" vươn mình.
Công ty Trách nhiệm hữu hạnJahwa Vina đóng tại Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên. Dù chịu tác động không nhỏ bởi dịch COVID-19, nhưng với sự chủ động về nguồn nguyên liệu, thực hiện tốt việc phòng chống dịch gắn với duy trì sản xuất kinh doanh, những tháng đầu năm 2021, doanh thu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Jahwa Vina đạt trên 1.000 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động với mức lương 6-8 triệu đồng/người/tháng.
Công ty đang quyết tâm hoàn thành mục tiêu sản xuất khoảng 300 tấn linh kiện điện tử/năm và 150 tấn linh kiện công nghệ thông tin/năm.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp chính xác Việt Nam 1, Khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), chuyên sản xuất các linh kiện, phụ tùng ôtô, xe máy, xe trượt tuyết, thiết bị y tế cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những năm qua, doanh nghiệp này đã không ngừng cải tiến công nghệ kỹ thuật trong các dây chuyền sản xuất; tập trung đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Những năm gần đây, doanh thu của doanh nghiệp tăng đều, từ 2.700 tỷ đồng năm 2015 tăng lên gần 4.000 tỷ đồng năm 2020.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 đang tạo việc làm ổn định cho 4.100 lao động với thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng. Khách hàng truyền thống của công ty là các doanh nghiệp sản xuất ôtô, xe máy như Toyota, Honda, Piaggio, Ford, Ducati, France bed, Polaris và Yamaha Việt Nam. Thị trường chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Mỹ.
Để tạo đột phát trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước nâng cao giá trị gia tăng, tạo nền tảng phát triển công nghiệp bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc đã đặt mục tiêu tăng dần tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa; đưa công nghiệp hỗ trợ của tỉnh trở thành mắt xích cung cấp sản phẩm có hàm lượng giá trị cao trong dây chuyền sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế.
Mục tiêu cụ thể, tỉnh phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 50 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ đủ điều kiện để trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các tập đoàn kinh tế lớn, có ít nhất 10 doanh nghiệp trong nước sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và được tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục chủ động tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp như đầu tư cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ ở các khu công nghiệp; quan tâm cải cách hành chính; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp dễ dàng có đủ mặt bằng sản xuất, cũng như tiếp cận nguồn vốn; hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đổi mới, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tỉnh hỗ trợ 100% các khoản chi phí tổ chức đánh giá, xác nhận năng lực doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ 70% các khoản phí tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực ; tổ chức hội chợ triển lãm kết nối công nghiệp hỗ trợ; hỗ trợ 70% chi phí đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản ở lĩnh vực trên…
Thời gian từ nay đến hết năm 2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến tổ chức các hội nghị đối thoại nữa với doanh nghiệp để tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan tới đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, thuế; giải quyết khó khăn theo từng nhóm vấn đề: đất đai, tín dụng, thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội và các thủ tục hành chính, dịch vụ công… vốn đã tồn tại nhiều năm gây khó khăn trong hoạt động của doanh nghiệp.
Bên cạnh những đóng góp tích cực, tạo nguồn lực cho sự phát triển, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn cần sự quan tâm, chỉ đạo các ngành chức năng để có các giải pháp hữu hiệu, quyết liệt hơn nhằm giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải từ doanh nghiệp.
Song song đó, tăng cường kiểm tra, giám sát vấn đề tranh chấp lao động, tìm hiểu rõ nguyên nhân dẫn tới tình trạng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hay giải quyết chế độ chính sách cho lao động khi nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu; việc chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, nơi vui chơi giải trí, chính sách nhà ở cho công nhân, đầu tư nhà trẻ, trường học phục vụ người lao động ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.../.