Tại khu vực Viễn Đông của nước Nga có một thành phố cảng với những chiếc cầu đẹp lộng lẫy trong khung cảnh biển hữu tình. Đó là thành phố Vladivostok, cửa sổ nhìn ra châu Á của nước Nga và được tạp chí National Geographic đưa vào danh sách 10 thành phố cảng đẹp nhất thế giới.
Đây cũng là điểm cuối của tuyến đường sắt xuyên Siberia nổi tiếng nối với thủ đô Moskva của nước Nga, cách thành phố nằm bên bờ Thái Bình Dương hơn 9.000km.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, Vladivostok cũng là thành phố đã ghi đậm những dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người đã đến đây 3 lần vào các năm 1924, 1927 và 1934. Năm 1924, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, Bác đã bí mật từ Moskva đến Quảng Châu, Trung Quốc, với nhiệm vụ kết nối và xây dựng phong trào với các thanh niên yêu nước Việt Nam.
Đây là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị công tác lý luận, tuyên truyền, tổ chức và bồi dưỡng cán bộ, tạo cơ sở cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
[Khánh thành tượng đài Bác Hồ tại thành phố Vladivostok của Nga]
Trong chuyến đi này, Người đã đến Vladivostok vào tháng 11/1924 và ở trọ tại khách sạn "Versailles" tại địa chỉ số 10 phố Svetlanskaya.
Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài "Những vấn đề của châu Á" mà Người đăng năm 1925. Đầu tháng 5/1927, Bác Hồ từ Hong Kong đến Thượng Hải, từ đó đến Vladivostok, trước khi quay lại Moskva vào ngày 15/6.
Tháng 5/1934, theo tư liệu, Người đã lên chuyến tàu chở hàng của Liên Xô từ Thượng Hải đến Moskva. Trên đường đi, tàu dừng lại ở Vladivostok.
Nhà Việt Nam học Aleksandr Sokolovskyi, Trưởng Khoa các nước Nam và Đông Nam Á, Viện Phương Đông thuộc Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (FEFU), Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Nga-Việt tỉnh Primorye, cho biết Vladivostok được xem là một trong những thành phố an toàn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vì từ đây, Người có thể dễ dàng tới Trung Quốc hay từ Trung Quốc quay trở về Liên Xô trong thời gian hoạt động bí mật.
Thành phố cảng này cũng được xem là nơi “giải cứu” lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam trước sự truy đuổi của thực dân Pháp trong thời gian Người bôn ba tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ.
Cần lưu ý thêm rằng trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, các tàu của Công ty Hàng hải Viễn Đông, nay là Công ty Vận tải Hàng hải Viễn Đông (FESCO) có trụ sở ở Vladivostok, bất chấp rủi ro, nguy hiểm đã liên tục vận chuyển hàng hóa Liên Xô viện trợ cho Việt Nam.
Ngày 10/5/1972, tại cảng Cẩm Phả của Việt Nam, máy bay Mỹ đã ném bom làm cháy tàu chở hàng Grisha Hakobyan của Liên Xô. Trong cuộc bắn phá này, thuyền trưởng Yuri Sergeevich Zotov đã hy sinh. Một trong những con tàu của FESCO cũng được đặt tên là "Hồ Chí Minh."
Năm 2008, nhằm lưu giữ kỷ niệm về những chuyến thăm của lãnh tụ cách mạng Việt Nam đến Vladivostok, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Vladivostok, cùng với chính quyền thành phố và Hội Hữu nghị Nga-Việt tỉnh Primorye đã nộp đơn lên Tập đoàn Đường sắt Nga đề nghị gắn tấm biển tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tòa nhà của nhà ga xe lửa Vladivostok.
Được sự đồng ý của Bộ Văn hóa Liên bang Nga, đúng ngày kỷ niệm sinh nhật Bác - 19/5/2009, Thị trưởng thành phố Vladivostok Igor Pushkarev và Tổng lãnh sự Việt Nam tại Vladivostok Nguyễn Thị Cao Hòa đã khai trương tấm biển tưởng niệm Bác tại nhà ga xe lửa Vladivostok.
Tấm biển khắc dòng chữ “Năm 1924, 1927 và 1934, Hồ Chí Minh - Nhà hoạt động vì phong trào giải phóng đất nước và quốc tế đã được UNESCO công nhận, anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, người đặt nền tảng vững chắc cho tình hữu nghị Nga-Việt - đã đến Vladivostok.”
Tình cảm của người dân Vladivostok cũng như những người Việt Nam sinh sống tại đây dành cho Bác chưa dừng lại. Ngày 5/7/2019, tại công viên trên phố Borisenko, gần khu chợ Spostivnaya, có đông người Việt Nam làm ăn buôn bán, đã khánh thành Tượng đài Hồ Chí Minh.
Tượng đài do Hội Người Việt vùng Primorsky đứng đầu là ông Đỗ Quốc Việt trao tặng. Tác giả của tác phẩm là nhà điêu khắc trẻ đã thành danh của Vladivostok, Piotr Chegodaev.
Tượng được đúc bằng đồng ở Việt Nam và đặt trên bệ đá cẩm thạch. Bố cục tượng đài là một bệ đá hoa cương dài, bên trên là tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh đang nhìn về phía trước với trang sách rộng mở đặt trên bục.
Trên bệ đá ghi dòng chữ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969) - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhà văn hóa kiệt xuất."
Như vậy, Vladivostok trở thành thành phố thứ 4 của Liên bang Nga, sau Moskva, St. Petersburg và Ulyanovsk đặt tượng đài Hồ Chủ tịch.
Ông Sokolovskyi khẳng định Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự đã làm thay đổi tầng lớp nhân dân Việt Nam. Người là một tấm gương khi dành cả cuộc đời để cứu nhân dân khỏi ách đô hộ.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi cũng thông qua tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh để giáo dục thế hệ trẻ. Với tính cách quyết đoán, niềm tin vào lý tưởng, Người đã sống vì nhân dân, vì những dân tộc bị áp bức. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà hoạt động cách mạng xuất chúng của Việt Nam mà còn của toàn thế giới”./.