VNDIRECT: Kỳ vọng VN-Index chạm mốc 1.500 điểm ở nửa chặng cuối năm

Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết và động lực ‘sợ bỏ lỡ’ cùng với dòng tiền mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân sẽ hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán về cuối năm.
VNDIRECT: Kỳ vọng VN-Index chạm mốc 1.500 điểm ở nửa chặng cuối năm ảnh 1(Ảnh minh họa/Nguồn: TTXVN)

Đánh giá triển vọng của thị trường chứng khoán về nửa cuối của năm, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng giai đoạn đầu tư dễ dàng đã qua đi và ở thời điểm này cần phải “chọn mặt gửi vàng” các mã chứng khoán chất lượng. Đó là các doanh nghiệp có mức tăng trưởng lợi nhuận bền vững, khả năng mở rộng kinh doanh, có vị thế nắm bắt được các cơ hội từ sự phục hồi của tổng cầu thế giới đồng thời đòn bẩy tài chính thấp và khả năng chống chịu tốt với lãi suất.

[Dịch COVID-19: Chung tay vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu]

Cụ thể, báo cáo phân tích của VNDIRECT cho rằng xu hướng của thị trường sẽ được hỗ trợ bởi triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó, động lực “sợ bỏ lỡ” và dòng tiền mạnh mẽ của các nhà đầu tư cá nhân trong nước sẽ hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán duy trì.

Triển vọng kinh doanh tích cực

Theo tính toán của VNDIRECT, thị trường chứng khoán vẫn được trợ lực bởi nền kinh tế trên đà hồi phục cùng kết quả tăng trưởng lợi nhuận tích cực của các doanh nghiệp trong năm. Cụ thể, VNDIRECT ước tính lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HoSE sẽ tăng trưởng 30% so với cùng kỳ trong năm 2021.

VNDIRECT: Kỳ vọng VN-Index chạm mốc 1.500 điểm ở nửa chặng cuối năm ảnh 2

Về trung hạn, nhóm phân tích của VNDIRECT dự báo mức lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên sàn HoSE có thể đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) khoảng 27%/năm trong giai đoạn 2021-2022 và con số này vượt trội so với mức 12% của giai đoạn 2017-2020.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho biết chỉ số VN-Index hiện đang giao dịch tại mức P/E [hệ số giá/lợi nhuận một cổ phiếu-PV] năm 2021 là 16,5 lần, tương đối hấp dẫn so với mặc bằng chung trong khu vực.

“Xét trên góc độ tăng trưởng lợi nhuận và định giá thị trường, Việt Nam, Singapore và Indonesia đang nổi lên là những thị trường có định giá hấp dẫn xét trên triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2023,” bà Hiền chia sẻ.

Về các yếu tố vĩ mô, nhóm phân tích lạc quan vào tốc độ triển khai tiêm chủng vaccine COVID-19 đang tăng lên nhanh chóng, nhờ đó quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế thế giới có thể sớm thực hiện trong nửa cuối của năm.

“Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn do đó có nhiều dư địa để tận dụng cơ hội khi sức mua toàn cầu phục hồi. Số liệu kinh tế tích cực 6 tháng đầu năm là chỉ báo rõ ràng cho sức phục hồi trong một vài năm tới và chúng tôi dự báo GDP cả nước sẽ tăng trưởng lần lượt 6,5%-7,4%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 15%-11% trong các năm 2021-2022, nhờ sự mở rộng của ngành sản xuất và ngành dịch vụ hồi phục mạnh,” bà Hiền cho hay.

Những rủi ro tiềm ẩn

Nhìn lại chặng đường nửa đầu của năm, thị trường chứng khoán đã vượt qua nỗi sợ hãi mang tên “COVID -19” và liên tục tăng trưởng với các con số kỷ lục, VN-Index theo đó đã chốt mốc lịch sử 1.408,55 điểm và tăng 27,6% so với cuối năm 2020.

Điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp niêm yết đẩy mạnh kế hoạch tăng vốn chủ sở hữu, tạo nguồn cung cổ phiếu dồi dào trên thị trường.

Theo số liệu từ VNDIRECT, tổng mệnh giá cổ phiếu đã hoàn thành tăng vốn và đang trong kế hoạch lên tới 25.617 tỷ đồng và gấp 3 lần so với mức thực hiện trong cả năm 2020.

Theo bà Hiền, “với mức thanh khoản thị trường bình quân vào khoảng 1 tỷ USD/phiên như hiện nay, mặc dù nguồn cung cổ phiếu này chưa gây sức ép lớn lên thị trường như trong giai đoạn 2014-2019, song rủi ro này vẫn cần phải được theo sát sao.”

VNDIRECT: Kỳ vọng VN-Index chạm mốc 1.500 điểm ở nửa chặng cuối năm ảnh 3

Mặt khác, bà Hiền cũng lưu ý một số yếu tố khách quan trên thị trường quốc tế có thể sẽ tác động đến dòng vốn ngoại vào trường Việt Nam, như việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra quan điểm thận trọng hơn trong cuộc họp Ủy ban thị trường mở (FOMC) hồi giữa tháng Sáu và chú ý hơn đến những lo ngại về lạm phát tăng cao. Theo bà Hiền, FED có khả năng tăng hai lần lãi suất điều hành trong năm 2023 và việc FED chuẩn bị cho các phương án thắt chặt chính sách tiền tệ đang làm dấy lên lo ngại về việc dòng vốn đầu tư quốc tế rút khỏi các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.

Về dòng tiền trong nước, bà Hiền cho biết lãi suất bình quân kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại đang ở mức 5,7%/năm và thấp hơn mặt bằng lãi suất bình quân kỳ hạn 1 năm giai đoạn 2017-2019 (trước dịch COVID-19) ở mức 7,0%/năm.

“Việc mặt bằng lãi suất tiền gửi ở mức thấp đã kích thích dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước đổ vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng dự kiến sẽ tăng nhẹ về cuối năm trong bối cảnh áp lực lạm phát cao hơn. Điều này có thể làm giảm bớt sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với kênh gửi tiết kiệm trong thời gian tới,” bà Hiền nói.

Với những mặt thuận lợi và thách thức nêu trên, nhóm phân tích của cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam xứng đáng được định giá cao hơn so với mức P/E bình quân 5 năm là 16,5 lần, cụ thể chỉ số VN-INdex kỳ vọng sẽ giao dịch ở mức P/E 17,5-18 lần vào thời điểm cuối năm 2021, tương đương VN-INdex ở mức 1.400-1.450 điểm.

“Cộng thêm bối cảnh dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán, chúng tôi cho rằng chỉ số VN-INdex sẽ có thời điểm chạm mức 1.500 điểm trong nửa cuối năm,” bà Hiền đưa ra dự báo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục