Bên cạnh “miếng đánh” chủ lực là viễn thông, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) đang dồn lực để chuyển mình thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin.
Đây được xem là bước đi chiến lược giúp tập đoàn này tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh thị trường công nghệ đang biến chuyển mạnh mẽ và cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu.
“Trái ngọt” tái cơ cấu
Con số từ kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển giai đoạn 2014-2016 của VNPT được công bố vào đầu tháng Sáu cho thấy, tuy vừa tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, nhân sự… nhưng tập đoàn này vẫn gặt hái nhiều "trái ngọt."
Cụ thể, vào 1/7/2014, MobiFone tách khỏi VNPT. Nếu tính doanh thu gộp 6 tháng của MobiFone trước khi MobiFone tách ra thành một tổng công ty độc lập, tổng doanh thu của VNPT đạt 59.899 tỷ đồng, nhưng nếu bóc tách doanh thu riêng của VNPT (không gồm doanh thu MobiFone) đạt khoảng 51.151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.627 tỷ đồng.
Tới năm 2015, tổng doanh VNPT đạt 50.586 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 3.453 tỷ đồng. Sang 2016, VNPT tiếp tục đạt doanh thu 53.139 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.140 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận trên 20%/năm.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT, thực hiện tái cấu trúc, VNPT đã từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông-công nghệ thông tin. VNPT đã áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại (quản trị theo quy trình chuẩn, công cụ thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps…). VNPT cũng thực hiện phân phối thu nhập theo năng suất lao động của từng cá nhân, tạo động lực cho người lao động và đơn vị...
[CEO VNPT chia sẻ quyết tâm giành lại vị trí “anh cả” ngành công nghệ]
Sau khi tái cơ cấu, mô hình 3 lớp Dịch vụ - Hạ tầng - Kinh doanh của VNPT đã phát huy tác dụng. Tập đoàn này đầu tư chăm sóc mạng lưới; hệ thống kênh bán hàng được chú trọng hơn, thống nhất và xuyên suốt trên toàn quốc; chuyên biệt hơn trong việc bán hàng/chăm sóc khách hàng... Khối công nghiệp cũng đã có điều kiện phát triển, đã đáp ứng 100% nhu cầu của VNPT và dần tiến ra thị trường trong và ngoài nước.
Hướng mũi nhọn về công nghệ
Nói về kế hoạch phát triển trong thời gian tới, Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long cho biết, tập đoàn này sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển vào các dịch vụ mũi nhọn như di động, băng rộng, công nghệ thông tin, giá trị gia tăng. Đặc biệt, VNPT sẽ tập trung chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp giải pháp dịch vụ công nghệ thông tin.
Định hướng phát triển này đã được VNPT cụ thể hóa ngay từ trong quá trình tái cấu trúc. Từ những sản phẩm công nghệ còn khiêm tốn, trong 3 năm qua, VNPT đã triển khai VNPT - HIS, VnEdu, ký kết hợp tác về viễn thông, công nghệ thông tin với 51/63 Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố để triển khai các sản phẩm chính phủ điện tử (iOffice, iGate…).
Mới đây nhất, VNPT chính thức được lựa chọn trở thành đối tác triển khai xây dựng thành phố thông minh tại Thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang (Phú Quốc), Tiền Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk…
Cùng lúc, VNPT chú trọng triển khai công tác bảo đảm an toàn thông tin thông qua việc đầu tư bài bản các hệ thống phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn tấn công mạng. Tập đoàn này dự kiến sẽ đưa trung tâm an ninh thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động trong thời gian tới; xây dựng đội ngũ chuyên gia trình độ cao để vừa bảo vệ hạ tầng mạng hệ thống thông tin nội bộ VNPT cũng như tiến tới cung cấp các dịch vụ an toàn thông tin của khách hàng, đặc biệt khách hàng chính phủ và doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, thị trường viễn thông, công nghệ đang bước vào cuộc đua tranh quyết liệt. Bên cạnh việc duy trì dịch vụ viễn thông vốn là thế mạnh của tập đoàn thì việc thay đổi để trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ được xem là bước đi đúng đắn của VNPT trong giai đoạn tới./.