Vỡ đập thủy điện tại Lào: Lào tăng cường phòng chống dịch bệnh

Việc một số lượng lớn người tập trung tại 6 trung tâm cứu trợ đang đặt ra những thách thức hết sức khó khăn cho các cấp chính quyền Lào, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Vỡ đập thủy điện tại Lào: Lào tăng cường phòng chống dịch bệnh ảnh 1Hàng cứu trợ liên tục được chuyển vào vùng bị cô lập. (Ảnh: Quang Thái/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, năm ngày sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy, có gần 4.000 người dân đã bị ảnh hưởng được đưa về trung tâm huyện Sanamsay ở tỉnh Attapeu.

Việc một số lượng lớn người tập trung tại 6 trung tâm cứu trợ đang đặt ra những thách thức hết sức khó khăn cho các cấp chính quyền Lào, đặc biệt là nguy cơ dịch bệnh lây lan.

[Việt Nam hỗ trợ Lào khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện]

Có mặt tại Lào chỉ một ngày sau khi sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoy xảy ra, bác sỹ Nguyễn Thành Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hoàng Anh Gia Lai cùng nhóm cứu trợ của Viện đã cùng túc trực với người dân tại một khu tạm trú ở trung tâm huyện Sanamsay và trực tiếp thăm khám cho hàng trăm bệnh nhân được sơ tán khỏi 13 bản bị ảnh hưởng bởi sự cố. Bởi vậy, bác sỹ Công hiểu rất rõ những gì mà các cơ quan chức năng Lào đã, đang và sẽ phải đối mặt.

Theo bác sỹ Công, nhờ sự nỗ lực của chính quyền Lào cùng sự hỗ trợ của nhiều cá nhân và tổ chức quốc tế, việc đáp ứng nhu cầu lương thực, nước sạch và các nhu yếu phẩm khác đã làm khá tốt và dần đi vào ổn định.

Vấn đề đáng lo nhất là trong bối cảnh Lào đang trong mùa mưa, việc có quá đông người dân tập trung tại các trung tâm cứu hộ đang đặt ra thách thức lớn về y tế, nguy cơ về các loại bệnh truyền nhiễm là rất cao, đặc biệt là dịch tả và dịch Ecoli.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, đại tá-bác sỹ Vanpheng Phuangsavadi, Phó Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần Quân đội Lào cho biết chính quyền các cấp của Lào nhận thức rất rõ về nguy cơ này, và trong những ngày qua, Lào đã huy động rất đông các y, bác sỹ trên khắp cả nước về bố trí tại các điểm có nguy cơ bùng phát bệnh tại các trung tâm cứu hộ ở huyện Sanamsay và ở huyện Paksong, cũng như ở các bản có dân tạm sơ tán tới.

Bộ Y tế và Quân đội Lào cũng đã phối hợp sử dụng xe lọc nước, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân; tăng cường nhà vệ sinh lưu động, xây thêm các bể chứa nước, tăng cường dọn vệ sinh, tôn nền các điểm úng ngập trong các trung tâm và phun thuốc diệt muỗi, tẩy trùng tại các khu vực trên.

Theo Đại tá Vanpheng Phuangsavadi, đến thời điểm trưa 28/7 vẫn chưa phát hiện thấy các bệnh lây nhiễm tại các trung tâm cứu hộ. Tuy nhiên, phía Lào cũng đã chuẩn bị sẵn sàng mọi phương án đối phó, trong đó chú trọng tới công tác phòng bệnh.

Đại tá Phuangsavadi cho biết các đội y tế túc trực tại các trung tâm và điểm bản thường xuyên giải thích cho người dân hiểu và giữ vệ sinh nơi ăn ở; theo dõi chặt chẽ mọi nguy cơ và sẽ cách li ngay mọi trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm như tả, lị hay sốt suất huyết để tránh lây lan, đồng thời tổ chức cho phun thuốc chống muỗi ở những điểm nhiều muỗi…

Với sự chuẩn bị khá tốt của các cơ quan y tế Lào, cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình của các chuyên gia y tế, chuyên gia môi trường đến từ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, hy vọng rằng các cơ quan chức năng của Lào sẽ làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho các trung tâm cứu trợ như đã làm trong việc lo chỗ ăn ở cho dân trong 5 ngày qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.