Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/9/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 21,2 tỷ USD, bằng 81,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện ước đạt 13,76 tỷ USD, bằng 96,8% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong số đó, có 1.947 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giảm 29,4% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt 10,36 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019.
Về vốn điều chỉnh, có 798 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, giảm 23% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 5,11 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ).
Vốn điều chỉnh trong 9 tháng tăng do dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,386 tỷ USD và dự án Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 774 triệu USD.
Đối với góp vốn, mua cổ phần có 5.172 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 20,5% so với cùng kỳ, tổng giá trị vốn góp 5,73 tỷ USD, bằng 55,1% so với cùng kỳ.
Cơ cấu giá trị góp vốn, mua cổ phần trong tổng vốn đầu tư cũng giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, từ gần 40% trong 9 tháng năm 2019 xuống 27% trong 9 tháng năm 2020.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 9,9 tỷ USD, chiếm 46,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
[JETRO: Dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ phục hồi sau dịch COVID-19]
Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 4,3 tỷ USD, chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt gần 3,2 tỷ USD và 1,3 tỷ USD.
Theo đối tác đầu tư, đã có 111 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 6,77 tỷ USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,17 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 8,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc).
Nếu xét theo số lượng dự án mới, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 499 dự án, Trung Quốc đứng thứ hai với 271 dự án, Nhật Bản đứng thứ ba với 209 dự án, Singapore đứng thứ tư với 173 dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 60 tỉnh, thành phố; trong đó, tỉnh Bạc Liêu vẫn tiếp tục dẫn đầu với 1 dự án lớn có vốn đầu tư 4 tỷ USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký đạt 3,25 tỷ USD, chiếm 15,3% tổng vốn đầu tư. Thành phố Hà Nội đứng thứ ba với 2,92 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương, thành phố Hải Phòng.
Nếu xét theo số lượng dự án mới, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với 719 dự án, thành phố Hà Nội đứng thứ hai với 409 dự án, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ ba với 119 dự án.
Một số dự án lớn trong 9 tháng năm 2020 là dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện từ khí tự nhiên hóa lỏng LNG (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 16/01/2020); dự án Tổ hợp hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ (giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh cấp ngày 18/4/2020).
Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR do nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư tại tỉnh Tây Ninh (cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ngày 21/1/2020)…/.