Ngày 27/1, Iraq và Mỹ đã tổ chức "vòng đàm phán đầu tiên" về tương lai của quân đội Mỹ và các nước khác ở nước này. Baghdad kỳ vọng các cuộc thảo luận sẽ dẫn đến lộ trình giảm sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Iraq.
Văn phòng Thủ tướng Iraq ra tuyên bố cho biết Thủ tướng Mohamed Shia al-Sudani "đã tổ chức vòng đối thoại song phương đầu tiên giữa Iraq và Mỹ nhằm chấm dứt sứ mệnh của liên quân quốc tế tại Iraq."
Phát biểu với báo giới, Cố vấn đối ngoại của Thủ tướng Sudani, ông Farhad Alaaldin khẳng định: "Iraq cam kết với các quốc gia tham gia liên quân quốc tế rằng sẽ đạt các thỏa thuận phục vụ lợi ích tốt nhất của Iraq và các nước này."
Về phần mình, Phó Thư ký Báo chí Lầu Năm Góc, bà Sabrina Singh xác nhận hai bên sẽ đàm phán về sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq. Điều này cho thấy Baghdad muốn giảm bớt lực lượng nước ngoài đang đồn trú tại Iraq.
Hôm 25/1, Washington thông báo đã nhất với Baghdad về việc thành lập "các nhóm chuyên gia gồm các chuyên gia quân sự và quốc phòng", thuộc Ủy ban Quân sự cấp cao được thành lập theo thỏa thuận với Baghdad.
Các nhóm này sẽ xem xét ba yếu tố chính bao gồm "mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xung, các yêu cầu về hoạt động và môi trường, cũng như mức độ năng lực của Lực lượng An ninh Iraq."
Các cuộc đàm phán - đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng - diễn ra vào thời điểm căng thẳng gia tăng ở Iraq và khu vực liên quan đến xung đột Hamas-Israel, làm gia tăng các cuộc tấn công vào lực lượng Mỹ và liên quân.
Theo thống kê, từ giữa tháng 10/2023, đã xảy ra hơn 150 cuộc tấn công nhằm vào liên quân. Hiện khoảng 2.500 lính Mỹ đang được triển khai ở Iraq và khoảng 900 lính ở Syria trong khuôn khổ liên minh chống IS được thành lập vào năm 2014./.
Iraq phản đối các cuộc không kích của Mỹ vào lãnh thổ nước này
Văn phòng Thủ tướng Iraq nhấn mạnh vụ tấn công của Mỹ là những hành động gây leo thang căng thẳng, vi phạm chủ quyền của Iraq và làm suy yếu quá trình hợp tác nhiều năm qua giữa Baghdad và Washington.