Vòng đàm phán hòa bình mới về khủng hoảng ở Yemen bị hoãn

Ngoại trưởng Yemen Abdel Malak al-Mekhlafi ngày 9/1 cho biết vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa các phe phái đối địch ở nước này sẽ bị lùi đến cuối tháng 1/2016.
Vòng đàm phán hòa bình mới về khủng hoảng ở Yemen bị hoãn ảnh 1Phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed. (Nguồn: AFP)

Ngoại trưởng Yemen Abdel Malak al-Mekhlafi ngày 9/1 cho biết vòng đàm phán hòa bình tiếp theo giữa các phe phái đối địch ở nước này sẽ bị lùi đến cuối tháng 1/2016.

Phát biểu với báo giới, ông Mekhlafi cho biết vòng đàm phán hòa bình tới sẽ không diễn ra vào ngày 14/1 như đã định do lực lượng phiến quân Houthi không chấp thuận thời gian này. Dự kiến, vòng đàm phán mới có thể được tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ vào ngày 20 hoặc 23/1.

Theo kế hoạch, phái viên Liên hợp quốc về vấn đề Yemen Ismail Ould Cheikh Ahmed sẽ tới thủ đô Sanaa trong ngày 10/1 để thuyết phục phiến quân Houthi tham gia đàm phán theo khung thời gian mới, cũng như tìm kiếm "các biện pháp xây dựng lòng tin" từ lực lượng này, trong đó có việc cho phép hàng cứu trợ vào thành phố Taez.

Trong khi đó, theo người phát ngôn Chính phủ Yemen Rajeh Badi, lý do khiến vòng đàm phán trên bị hoãn là do cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh tuyên bố không tham gia, và phiến quân Houthi cùng các lực lượng thân cận không tuân thủ các điều khoản nhằm xây dựng lòng tin, trong đó có việc thả các tù nhân chính trị cấp cao cũng như mở đường vào các khu vực bị phong tỏa ở Taez.

Ngày 8/1, cựu Tổng thống Saleh nhấn mạnh sẽ chỉ nối lại đàm phán chừng nào lực lượng nước ngoài rút quân khỏi Yemen. Trong khi đó, lực lượng ủng hộ ông Saleh tuyên bố sẽ "tiếp tục chiến đấu chống lại liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu."

Yemen rơi vào hỗn loạn kể từ khi phiến quân Houthi, được sự hậu thuẫn của lực lượng trung thành với Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh, chiếm giữ thủ đô Sanaa hồi tháng 9/2014, sau đó tiến xuống miền Nam và kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ Yemen, buộc Tổng thống đương nhiệm Mansour Hadi phải lưu vong tại Saudi Arabia. Lực lượng liên minh khu vực chống Houthi do Saudi Arabia đứng đầu đã tiến hành các cuộc không kích từ tháng 3 và các chiến dịch trên bộ từ tháng 7/2015.

Các lệnh ngừng bắn cũng như các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc làm trung gian trước đây nhằm chấm dứt xung đột đã thất bại. Chính phủ Yemen yêu cầu Houthi tuân thủ nghị quyết của Liên hợp quốc, bao gồm hạ vũ khí, rút khỏi các khu vực đã chiếm giữ một năm qua, trong đó có thủ đô Sanaa. Tuy nhiên, phiến quân Houthi đòi tham gia đàm phán về tương lai chính trị của đất nước.

Theo báo cáo của Liên hợp quốc, kể từ tháng 3/2015, xung đột tại Yemen đã cướp đi sinh mạng của hơn 5.800 người, trong đó gần một nửa là dân thường, và khiến hơn 27.000 người bị thương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.