Ngày 6/9, Liên hợp quốc đã thông tin cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng, từ đó tạo ra một loại chất ô nhiễm nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe của con người và các sinh vật khác trên Trái Đất.
Khói mù do cháy rừng gần đây khiến người dân tại các thành phố từ Athens (Hy Lạp) đến New York (Mỹ) sống trong bầu không khí ngột ngạt. Đây có lẽ là dấu hiệu rõ ràng nhất về tình trạng ô nhiễm không khí do nắng nóng khắc nghiệt gây ra.
Tuy nhiên, trong Báo cáo hằng năm về Khí hậu và Chất lượng Không khí dựa vào dữ liệu của năm 2022, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cho rằng nắng nóng cực đoan cũng có nguy cơ tạo ra nhiều hóa chất nguy hiểm cho sức khỏe của con người.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho biết các đợt nắng nóng khiến chất lượng không khí đi xuống, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, hệ sinh thái, nông nghiệp và cuộc sống hằng ngày.
[Cải thiện chất lượng môi trường: Cần hành động mạnh mẽ]
Kết quả một nghiên cứu gần đây của Viện Chính sách Năng lượng tại Đại học Chicago (EPIC) chỉ ra rằng ô nhiễm không khí do bụi mịn từ những thành phần như khí thải xe và công nghiệp, cát và cháy rừng, là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn thế giới.
Theo WMO, chất lượng không khí và khí hậu có liên quan với nhau. Những chất tác động xấu đến biến đổi khí hậu và chất lượng không khí thường sinh ra từ cùng nguồn và những thay đổi ở yếu tố này chắc chắn sẽ gây ra những thay đổi ở yếu tố còn lại.
Các nhà nghiên cứu đều nhất trí cho rằng biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng gia tăng cả về tần suất và cường độ, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra các đám cháy rừng dữ dội hơn.
Nhà nghiên cứu Lorenzo Labrador của WMO tại mạng lưới Theo dõi Khí quyển Toàn cầu - bộ phận lập báo cáo trên, khẳng định nắng nóng kéo dài và cháy rừng có liên quan chặt chẽ với nhau.
Khói từ các đám cháy rừng chứa những hóa chất nguy hiểm không chỉ ảnh hưởng xấu đến chất lượng không khí và sức khỏe, mà còn gây hại cho thực vật và hệ sinh thái, mùa màng, cũng như dẫn đến nhiều khí thải carbon và nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính hơn trong khí quyển.
Dữ liệu năm 2022 được nêu chi tiết trong báo cáo cho thấy các đợt nắng nóng năm ngoái gây cháy rừng ở khu vực Tây Bắc nước Mỹ, dẫn đến chất lượng không khí kém. Nhiệt độ tăng vọt tại châu Âu, cùng với lượng bụi sa mạc cao bất thường bay đến lục địa này, dẫn đến nồng độ của cả bụi mịn và ozone ở mặt đất gia tăng.
Mặc dù ozone ở tầng khí quyển cao có tác dụng như một tấm lá chắn ngăn chặn các tia cực tím có hại, nồng độ ozone cao ở mặt đất lại gây hại cho sức khỏe con người và phá hoại mùa màng cũng như các hệ sinh thái.
Thiệt hại do ozone gây ra trên toàn cầu trung bình là 4,4-12,4% đối với cây lương thực chính, trong khi thiệt hại đối với lúa mỳ và đậu tương lên tới 15-30% ở một số vùng của Ấn Độ và Trung Quốc.
Do đó, Tổng Thư ký WMO, ông Taalas nhấn mạnh con người không nên coi biến đổi khí hậu và chất lượng không khí là 2 vấn đề riêng rẽ, mà cần giải quyết đồng thời cả 2 để “phá vỡ vòng luẩn quẩn.”
Mặc dù báo cáo dựa trên dữ liệu năm ngoái, ông Taalas cảnh báo thời tiết nắng nóng năm 2023 thậm chí diễn biến cực đoan hơn.
Cùng ngày, Cơ quan Theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) công bố báo cáo cho thấy Trái Đất vừa trải qua 3 tháng nóng nhất trong lịch sử nhân loại. Nhiệt độ trung bình toàn cầu trong các tháng Sáu, Bảy và Tám là 16,77 độ C, vượt mức kỷ lục được ghi nhận trước đó là 16,48 độ C vào năm 2019.
Theo báo cáo, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 8 tháng đầu năm nay là giai đoạn nóng thứ 2 trong lịch sử, chỉ thấp hơn 0,01 độ C so với mức của năm 2016. Nếu bán cầu Bắc trải qua mùa Đông bình thường, nhiều khả năng năm 2023 sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử loài người./.