Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2016 với nhiều chỉ số đạt mức tốt nhất từ trước tới nay, phản ánh rõ hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ cũng như tốc độ phát triển bền vững của ngân hàng.
Kết thúc năm 2016, tổng tài sản của VPBank đạt gần 226.000 tỷ đồng, tăng 16,5% từ mức 194.000 tỷ đồng năm 2015. Tổng huy động vốn trong năm qua đạt 172.000 tỷ đồng, tăng 13,15% so với năm 2015, trong đó tỷ trọng cơ cấu huy động dài hạn đã tăng đáng kể so với năm trước, từ 40% tại ngày 31/12/15 lên 50,4% tại ngày 31/12/16. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 13,03%, tiếp tục duy trì ở mức cao hơn so với quy định 9% của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2016, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 4.900 tỷ đồng. Lợi nhuận của riêng ngân hàng là hơn 3.400 tỷ đồng.
Lợi nhuận năm 2016 tăng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, đạt 15.100 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ đồng so với năm trước. Ngoài ra, tăng thu từ nợ đã xử lý rủi ro cũng đóng góp 1 phần đáng kể vào lợi nhuận của ngân hàng với con số đạt 715 tỷ đồng, tăng 180% so với năm 2015. Trong khi đó, tốc độ tăng chi phí hoạt động đã được kiểm soát chặt chẽ, chỉ ở mức tăng 16% so với 2015.
Đó là kết quả của việc thực hiện một số biện pháp mạnh mẽ nhằm tiết kiệm, tối ưu hóa chi phí của ngân hàng, bao gồm sắp xếp cơ cấu lại bộ máy bán hàng, đồng thời đẩy mạnh mô hình tập trung bộ máy hỗ trợ.
Kết quả kinh doanh nêu trên đã giúp VPBank củng cố vị trí là một trong các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô và hiệu quả hoạt động hàng đầu tại thị trường Việt Nam trong năm qua. Bên cạnh đó, thành tựu kinh doanh nổi bật trong năm 2016 cũng sẽ là một bước đệm vững chắc để ngân hàng hoàn thành được mục tiêu chiến lược 5 năm 2012-2017 và tiến tới những mục tiêu xa hơn trong năm năm tiếp theo.
Thành công trong năm 2016 của VPBank đã phản ánh những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự sáng tạo và một chiến lược kinh doanh đúng đắn của ngân hàng. Về hoạt động kinh doanh, VPBank tiếp tục phát triển hai mảng kinh doanh trọng tâm phục vụ phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mặt khác, VPBank đã nhanh chóng thiết lập mảng kinh doanh phục vụ phân khúc tín dụng tiểu thương, một phân khúc tiềm năng đang bị bỏ ngỏ.
Kết quả tăng trưởng ấn tượng về quy mô huy động và cho vay của ba phân khúc này trong năm vừa qua khẳng định các mục tiêu phân khúc khách hàng chiến lược của ngân hàng là hoàn toàn phù hợp và khả thi.
Tăng trưởng dư nợ tín dụng năm 2016 của ngân hàng đạt mức 17,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng trung bình của ngành trong năm nay, trong đó, tăng trưởng của hoạt động bán lẻ, bao gồm phân khúc khách hàng cá nhân, Micro SME và SME đóng góp phần lớn vào tổng tăng trưởng tín dụng trong cả năm 2016.
Ngược lại, tỷ lệ dư nợ cho vay bất động sản đã giảm từ 19,5% cuối năm 2015 xuống còn 15,8% cuối năm 2016. Trong khi tăng trưởng tín dụng tiếp tục ở mức tốt, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng đã giảm từ mức 2,43% trong năm 2015 xuống còn 2,03% tính đến cuối năm 2016. Nguyên nhân chủ yếu là do ngân hàng đã quyết liệt thực hiện một loạt các biện pháp xử lý nợ xấu và tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ nợ xấu.
Kết quả kinh doanh nổi bật trong năm 2016 cũng có sự đóng góp tích cực từ các các mảng kinh doanh vệ tinh, như các Khối khách hàng doanh nghiệp lớn, Khối thị trường tài chính, Trung tâm Định chế và ngân hàng giao dịch… Các đơn vị kinh doanh này đã chủ động đẩy mạnh khai thác các sản phẩm dịch vụ riêng biệt, song song với phối hợp liên khối và đối tác bên ngoài một cách chặt chẽ để thực hiện các chương trình bán chéo, chương trình tài trợ chuỗi... để có thể phục vụ khách hàng tốt nhất, đồng thời tối ưu hóa kết quả kinh doanh của toàn Ngân hàng năm 2016./.