Vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc trong số 100 container xuất sang Italy hiện vẫn đang được các cơ quan chức năng tiến hành điều tra và trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp, khách hàng, các ngân hàng hai phía và nhà vận chuyển đang cho thấy có nguy cơ rủi ro cao.
Để hiểu rõ hơn những vấn đề mấu chốt của sự việc này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC, về những khuyến nghị pháp lý kinh doanh đối với các doanh nghiệp Việt trong xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay.
- Dưới góc độ chuyên môn, ông nhìn nhận vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc trong số 100 container xuất sang Italy thế nào?
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc: Theo thông tin tôi có được thì các giao dịch thương mại này được thanh toán theo hình thức D/P (Documentary against Payment). Nghĩa là ngân hàng của người bán gửi bộ chứng từ cho ngân hàng người mua để thông báo cho người mua thanh toán và nhận bộ chứng từ để đi nhận hàng.
Nếu người mua không đến nhận chứng từ thì ngân hàng này thông báo cho ngân người bán để chờ chỉ thị và thông thường là gửi trả lại bộ chứng từ cho ngân hàng người bán để người bán xử lý.
Tuy nhiên, tại sao bộ chứng từ lại ra khỏi ngân hàng người mua và đây là câu hỏi mà chúng ta có thể đặt ra về nguyên nhân ai đó có chứng từ để đi nhận hàng.
Ngân hàng là tổ chức không dễ được thành lập và hoạt động bị kiểm soát rất chặt chẽ và chưa có chứng cứ để kết luận mà vấn đề còn đang được các cơ quan chức năng làm rõ.
Không có chứng cứ từ người bán về việc gửi chứng từ như thế nào nên không kết luận được việc này, song, thông thường là người bán phải gửi đầy đủ chứng từ. Về phía nhà vận chuyển, không có vấn đề gì phải rút kinh nghiệm vì họ làm đúng thông lệ và luật pháp quốc tế.
Thực tế, cũng đã xảy ra trường hợp mất (thất lạc) vận đơn khi gửi chuyển phát nhanh. Tuy nhiên, ở vụ việc này có chi tiết là ngân hàng đưa chứng từ cho bên thứ ba nên có thể loại trừ nguyên nhân này.
- Theo ông, sự việc này xuất phát từ những nguyên nhân nào?
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc: Theo tôi, về cơ bản vẫn là do nhận thức pháp lý của doanh nghiệp còn yếu ở chỗ với số tiền lớn thì cần dùng phương thức thanh toán tin cậy hơn, như thư tín dụng L/C (Letter of Credit) để tính pháp lý được đảm bảo chặt chẽ hơn.
[Vụ 100 container hạt điều: DN nên giành quyền chủ động soạn hợp đồng]
Thêm vào đó, cũng có phần do thiếu cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vấn đề rủi ro vì trước đây, đã từng xảy ra những vụ tương tự. Tuy nhiên, sau đó không thấy đơn vị nào đứng ra phân tích chi tiết vụ việc, rút ra bài học kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp… Như vậy, khó có thể đảm bảo sẽ không tái diễn tình trạng tương tự trong tương lai.
Vì thế, để rút kinh nghiệm chung, chỉ nêu tên những công ty gian lận thương mại và tuyên truyền nhiều hơn trên hệ thống thông tin đại chúng hoặc lồng ghép vào các chương trình giảng dạy, đào tạo để học sinh, sinh viên được nắm bắt kiến thức, trải nghiệm… làm bài học chung cho hiệp hội, doanh nghiệp.
- Vậy có triển vọng gì trong việc khắc phục hậu quả vụ việc này không, thưa ông?
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc: Cơ hội khắc phục hậu quả cũng có thể nhìn thấy được một phần bằng sự phối hợp chặt chẽ với hãng tàu, cơ quan có thẩm quyền như hải quan và cảnh sát, công an sở tại, Đại sứ quán và Thương vụ... Cụ thể, có thể giữ những container chưa giao cho người nhận và trả lại cho chủ hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng cần sự tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan một cách rất nhanh chóng, khẩn trương để tránh những chi phí phải trả cho hãng tàu mà chủ hàng phải chịu do giải phóng container chậm, đặt chỗ để chở hàng về sớm với con đường ngắn nhất để hạn chế hàng bị giảm chất lượng. Hoặc, bán cho người mua khác ngay tại nước sở tại để thu tiền hàng nhanh, tăng hiệu quả.
- Với vai trò đại diện Trung tâm Trọng tài quốc tế, ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu để tránh những trường hợp tương tự đáng tiếc xảy ra?
Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc: Tôi cho rằng, cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất.
Doanh nghiệp cần đánh giá đúng tầm quan trọng để lựa chọn phương thức thanh toán phù hợp với số tiền thanh toán.
Thủ đoạn lừa đảo đơn giản mà hiệu quả là tạo lòng tin từ những chuyến hàng hay hợp đồng nhỏ với cách thanh toán đơn giản. Sau đó, tăng dần số tiền của hợp đồng nên mức cao hơn mà vẫn dùng cách thanh toán đơn giản để tìm cách gian lận với chiêu bài "đã tin cậy" nên "đơn giản" để đỡ phí ngân hàng, đỡ đọng vốn so với hình thức mở thư tín dụng L/C.
Trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần thuê tư vấn soạn thảo hợp đồng. Bởi, thực tế cho thấy, so với tổn thất thì chi phí này không đáng là bao và phải coi đây là "đầu tư cho kiến thức" để tránh rủi ro chứ không phải là "chi phí" của doanh nghiệp.
Nhìn rộng hơn, đầu tư một lần có thể dùng cho thời gian dài nên chi tính theo năm và trên doanh số thì cũng không đáng kể.
Các doanh nghiệp cũng nên tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các lớp học chuyên môn, tham gia hội thảo... để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm. Học phí không nhiều nhưng có tác dụng rất tốt để giảm rủi ro lâu dài.
Doanh nghiệp cũng cần cố gắng kiểm soát trong kinh doanh khi đối tác xấu cho giá tốt, mời đi du lịch miễn phí... cũng như trong quá trình làm ăn với nhau thời gian dài sau đó tăng số lượng hàng để có trị giá hợp đồng cao hơn. Đến mức nào đó, dùng sơ hở có từ trước, hoặc mới phát sinh và vì đã "tin nhau" để gian lận, lừa đảo.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!