Vụ 100 container hạt điều: Các hãng tàu nước ngoài phối hợp giải quyết

Ngày 17/3, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản gửi 4 hãng tàu nước ngoài đề nghị hướng dẫn, hỗ trợ tối đa cho người gửi hàng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp chính đáng cho chủ hàng Việt Nam.
Vụ 100 container hạt điều: Các hãng tàu nước ngoài phối hợp giải quyết ảnh 1Sản xuất điều xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Liên quan tới vụ việc các doanh nghiệp Việt Nam mất quyền kiểm soát 36 bộ chứng từ gốc trong số 100 container xuất sang Italy, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, ngay sau khi có thông tin trên cùng văn bản kiến nghị của Hiệp hội Điều Việt Nam và sự chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị chức năng của Cục Hàng hải Việt Nam đã liên lạc với đại diện hãng tàu nước ngoài đang vận chuyển những container này.

Cục Hàng hải Việt Nam đã liên hệ với 4 hãng tàu tham gia vận chuyển những container này gồm: COSCO, YANGMING, HNM và ONE. Nhìn chung các hãng tàu cho biết đã phối hợp tích cực với chủ nhà để giải quyết.

Ông Hoàng Hồng Giang cho biết thêm, ngày 17/3, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản số 768/CHHVN-VTDVHH gửi 4 hãng tàu này đề nghị các hãng tàu này hướng dẫn, hỗ trợ tối đa cho người gửi hàng để bảo đảm quyền lợi hợp pháp chính đáng cho chủ hàng Việt Nam đối với các lô hàng đang vận chuyển.

Đại diện Phòng Vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam) phân tích, theo thông lệ thương mại quốc tế và hợp đồng ký kết giữa hãng tàu và khách hàng. Khi hàng đến cảng, người có hồ sơ gốc (vận đơn gốc) đến nhận hàng thì các hãng tàu buộc phải giao hàng. Trong trường hợp không giao sẽ phát sinh kiện tụng và chi phí lưu kho.

“Nếu yêu cầu hãng tàu giữ lại hàng chỉ khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của cảng nước sở tại. Do vậy, chủ hàng Việt Nam phải làm việc với cơ quan có thẩm quyền đề yêu cầu giữ lại khi hàng đến cảng,” đại diện Phòng Vận tải cho hay.

Theo thông tin Cục Hàng hải Việt Nam, hiện 11 container đã được chủ hãng làm việc với chính quyền để giữ lại hàng, 9 container đã được chủ hàng Việt Nam thu hồi lại được vận đơn gốc, số container còn lại đang trên đường đến cảng, dự kiến từ ngày 22-27/3 này sẽ đến cảng. Vì vậy trong thời gian này, chủ hãng phải gấp rút làm việc với cơ quan có thẩm quyền nhờ can thiệp để giữ lại hàng.

[Vụ 100 container hạt điều: Giúp DN lấy lại quyền sở hữu hàng hóa]

Trong khi đó, thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Italy cho biết, hiện chỉ còn khoảng 30 container hạt điều xuất khẩu sang Italy bị mất kiểm soát với bộ chứng từ, trị giá mỗi container khoảng 200 nghìn USD, tổng cộng khoảng 6 triệu USD, tương đương khoảng 130 tỷ đồng.

Theo Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy, ngay sau khi có doanh nghiệp trình báo sự việc về lô hàng container xuất khẩu hạt điều sang Italy có dấu hiệu bị lừa đảo ngày 5/3 vừa qua, Thương vụ đã đến cảng biển Genova, phía Bắc Italy để làm việc với hãng tàu COSCO và các cơ quan liên quan.

Vụ 100 container hạt điều: Các hãng tàu nước ngoài phối hợp giải quyết ảnh 2Thương vụ Sứ quán Việt Nam tại Italy làm việc với Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Napoli. (Ảnh: TTXVN/phát)

Đáng lưu ý, khi Thương vụ có mặt đã có vài container hạt điều của Việt Nam cập cảng, người mua đã trả phí cảng và nộp bộ chứng từ gốc để đòi nhận những container này.

Hãng vận tải cho hay, theo Luật thương mại quốc tế hãng phải giao hàng cho người nhận có bộ chứng từ gốc để tránh bị kiện. Trước tình hình đó, Thương vụ đã giải thích về việc doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị lừa do chưa nhận được tiền mà người mua đã lấy được bộ chứng từ gốc theo một cách nào đó ở bên Italy.

Đặc biệt, Tham tán thương mại Việt Nam tại Italy đã trực tiếp đến nhanh để ngăn chặn vụ việc trên. Hãng tàu COSCO đã tin tưởng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy và tham vấn với các luật sư nên đồng ý dừng ngay việc giao lô hàng cho người mua.

Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã gửi Công hàm tới các Bộ Ngoại giao, Bộ Kinh Tài, Bộ Kinh tế phát triển, các cơ quan cảng biển, hải quan, cảnh sát kinh tài, phòng thương mại khu vực, Hãng vận tải DHL, ngân hàng... để thông báo vụ việc lừa đảo lớn này và phối hợp hỗ trợ.

Tuy nhiên, đến ngày 8/3 Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy mới nhận được công văn của Hiệp hội Điều Việt Nam về vụ việc này.

Tại Việt Nam, Thương vụ đề nghị Hiệp hội và doanh nghiệp làm việc để Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, Tòa Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh ra phán quyết khẩn cấp yêu cầu các hãng tàu tạm dừng việc giao hàng đã đến cảng Italy cho người có chứng từ gốc.

Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại việc này chưa xử lý tại Việt Nam khiến khối lượng công việc mà Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italy phải xử lý khá lớn; trong đó, có việc gặp các hãng tàu ở Italy và các cơ quan liên quan để đề nghị dừng giao hàng.

Trước việc xử lý kịp thời, các doanh nghiệp Việt Nam đã dừng không giao bộ chứng từ gốc, đòi được một số bộ chứng từ chuyển ngược lại Việt Nam. Do đó, chỉ còn khoảng 30 bộ chứng từ của 30 container trong tổng số 100 container là bị mất kiểm soát chứng từ.

Ngày 10/3, Thương vụ tiếp tục về phía Nam Italy để làm việc với các ngân hàng, Hãng vận tải DHL, quân cảnh, cảng Napoli... để truy tìm chứng từ và tìm hiểu nguyên nhân thất thoát chứng từ vào tay nhóm lừa đảo.

Hiện tại, chỉ còn khoảng 30 container bị mất kiểm soát với bộ chứng từ. Dù vậy, vẫn còn nhiều rủi ro liên quan lô hàng này vì phải đòi được chứng từ gốc hoặc phải có phán quyết của các cơ quan Tòa án Italy mới có thể trả lại sở hữu cho doanh nghiệp Việt Nam và bán cho người mua khác bởi hạt điều không thể để quá lâu ở cảng tốn phí lưu kho bãi và hàng hóa hư hỏng.

Ngày 17/3, Thương vụ sẽ lên cảng phía Bắc La Spezia, một cảng khác của Italy để làm việc và dừng các container sẽ cập cảng trong vài ngày tới.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.