Vụ án ở Công ty King Việt Nam: Xác định lại trách nhiệm bồi thường

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định, kết quả điều tra bổ sung dẫn đến thay đổi về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Lâm Hữu Sơn và đồng phạm.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao vừa chuyển hồ sơ vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần xây dựng địa ốc King Việt Nam (gọi tắt là Công ty King) đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để nghiên cứu, đưa ra xét xử theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trong hai ngày 8 và 9/5/2019, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty King cùng 3 cấp dưới lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hơn 500 khách hàng.

Bốn bị cáo trong vụ án này gồm Lâm Hữu Sơn (sinh năm 1975, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty King, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn và quản lý đầu tư 5F Capital - gọi tắt là Công ty 5F), Phan Văn Cường (tên gọi khác là Phan Tuấn Anh, sinh năm 1985, nguyên Tổng Giám đốc Công ty King), Nguyễn Hồng Minh (sinh năm 1976, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty 5F), Đào Văn Ý (tên gọi khác là Đào Triệu Trí, sinh năm 1972, nguyên cố vấn kinh doanh, Phòng Kinh doanh Công ty 5F) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điều 139, khoản 4, điểm a-Bộ luật Hình sự năm 1999.

Quá trình điễn ra phiên tòa sơ thẩm đã xuất hiện thêm một số tình tiết mới tại phiên tòa, một số nhà đầu tư góp vốn vào hai công ty nêu trên nhưng chưa được lấy lời khai tại giai đoạn điều tra, 23 người bị hại khai không trùng khớp với số liệu tổng hợp của Cơ quan điều tra về số tiền họ thực góp vốn… Do đó, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ, đề nghị cơ quan điều tra bổ sung.

[Điều tra bổ sung vụ lừa đảo hơn 500 người ở công ty King Việt Nam]

Sau khi tiến hành điều tra bổ sung, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã xác định, có 18 người bị hại khai tại phiên tòa về số tiền họ thực góp vốn là trùng khớp với số liệu tổng hợp của Cơ quan điều tra; 3 người bị hại khai tại phiên tòa không trùng khớp với số liệu tổng hợp, tuy nhiên, kết quả xác minh thấy, lời khai của bị hại tại phiên tòa là không chính xác.

Hai bị hại khai tại phiên tòa không trùng khớp với số liệu tổng hợp, qua xác minh thấy số liệu tổng hợp của điều tra viên là không chính xác. Căn cứ vào lời khai của người bị hại, kiểm sát viên đã lập lại danh sách bị hại góp vốn.

Đối với việc bị cáo Nguyễn Hồng Minh khai không chiếm đoạt số tiền hơn 6,4 tỷ đồng, số tiền này Minh đã trả lại Công ty 5F qua kế toán có các phiếu thu, chi. Tại phiên tòa, bị cáo Sơn cũng xác nhận lời khai của Minh.

Qua điều tra bổ sung, Lâm Hữu Sơn và chị Châu Hồng Huân (Kế toán trưởng Công ty 5F) đều khai các Phiếu thu nêu trên do Sơn yêu cầu chị Huân đóng dấu chữ ký số của Sơn để hợp thức chứng từ theo đề nghị của Minh, thực tế Minh không nộp về công ty số tiền ghi trên phiếu thu.

Tại phiên tòa, bị cáo Đào Văn Ý khai ban đầu Ý là người tham gia Hợp đồng góp vốn với Công ty 5F số tiền 200 triệu đồng.

Sau khi được Lâm Hữu Sơn nhận vào làm cho Công ty 5F, Ý được hưởng số tiền hoa hồng là hơn 630 triệu đồng và đã sử dụng 220 triệu đồng tiếp tục góp vốn vào Công ty 5F.

Thực tế trong danh sách người bị hại của Cơ quan điều tra thì số tiền góp của Ý là 420 triệu đồng nên cần được điều tra, làm rõ.

Về nội dung này, tài liệu điều tra trong hồ sơ vụ án xác định Đào Văn Ý góp vốn 4 gói đầu tư vào Công ty 5F, số tiền ghi trên hợp đồng là 440 triệu đồng, số tiền thực góp là 420 triệu đồng. Như vậy, Ý là người góp vốn và thực tế bị thiệt hại số tiền 440 triệu đồng, nhưng do Ý là đồng phạm với Sơn nên không có tư cách là bị hại trong vụ án.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định, kết quả điều tra bổ sung dẫn đến thay đổi về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Lâm Hữu Sơn và đồng phạm. Trước đó, Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo là đối với toàn bộ người bị hại. Đến nay, Viện Kiểm sát xác định trách nhiệm bồi thường chỉ đối với số bị hại đã có lời khai, có yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, kết quả điều tra bổ sung không làm thay đổi tổng số tiền chiếm đoạt cũng như số tiền chiếm đoạt của mỗi bị cáo, không làm thay đổi tội danh và điều khoản truy tố đối với các bị cáo. Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao quyết định giữ nguyên nội dung và quyết định truy tố đối với 4 bị cáo nói trên.

Theo cáo trạng, Lâm Hữu Sơn, Phan Văn Cường là cổ đông sáng lập đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Công ty King.

Sau khi thành lập công ty, Lâm Hữu Sơn, Phan Văn Cường cùng bàn bạc, thống nhất với các thành viên trong Hội đồng quản trị việc thiết kế, in ấn cuốn catalogue giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của công ty với 9 dự án đầu tư và 3 đối tác chiến lượng nhưng thực tế không có thật hoặc không liên quan đến Công ty King.

Lâm Hữu Sơn dùng thủ đoạn đưa ra 4 gói lãi suất cao (từ 36-45,6%/năm) để huy động vốn góp từ 30 triệu đồng trở lên, đồng thời quy định tỷ lệ hoa hồng cao cho nhân viên công ty để khuyến khích họ tích cực giới thiệu, tư vấn với khách hàng về năng lực và hiệu quả kinh doanh của Công ty King.

Bằng cách thức trên, từ tháng 4/2014 đến tháng 11/2014, Công ty King đã huy động vốn của 140 khách hàng, với tổng số tiền hơn 45 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do Lâm Hữu Sơn, Phan Văn Cường đã sử dụng vốn vay của người sau để trả gốc, lãi cho người trước và chiếm đoạt tổng số tiền hơn 17,5 tỷ đồng, dẫn đến không hoàn trả được cho 97 khách hàng số tiền gốc là hơn 19,6 tỷ đồng.

Sau khi Công ty King ngừng hoạt động, Lâm Hữu Sơn tiếp tục thành lập Công ty 5F do Sơn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.

Từ tháng 7/2015 đến tháng 4/2016, Lâm Hữu Sơn trực tiếp và chỉ đạo Nguyễn Hồng Minh, Đào Văn Ý cùng một số nhân viên Công ty 5F tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm giới thiệu tuyên truyền với khách hàng về Công ty 5F có 14 dự án kinh doanh rất hiệu quả (lợi nhuận đạt từ 17%-20%/tháng), nếu nhà đầu tư góp vốn vào Công ty 5F được hưởng lãi suất từ 36%-72%/năm.

Với thủ đoạn này, từ cuối tháng 7/2015 đến tháng 5/2016, Công ty 5F đã ký 947 “hợp đồng hợp tác đầu tư” hoặc “hợp đồng góp vốn” với 566 nhà đầu tư, số tiền trên hợp đồng là hơn 173 tỷ đồng và thực thu được trên 153 tỷ đồng.

Trong số tiền đó, Lâm Hữu Sơn đã chiếm đoạt hơn 44 tỷ đồng, trong đó Sơn trực tiếp chiếm đoạt để sử dụng cá nhân số tiền 37 tỷ đồng, chiếm đoạt để trả công quảng bá huy động vốn cho Đào Văn Ý số tiền 630 triệu đồng và tạo điều kiện để Nguyễn Hồng Minh chiếm đoạt gần 6,5 tỷ đồng.

Do Công ty 5F thực chất không có các dự án đầu tư như quảng bá, Lâm Hữu Sơn sử dụng vốn vay lãi suất cao để chi trả cho mọi hoạt động của công ty; sử dụng tiền vay của người sau để trả gốc, lãi cho người trước và chiếm đoạt hơn 44 tỷ đồng, dẫn đến Lâm Hữu Sơn không hoàn trả được cho 504 khách hàng số tiền gốc là hơn 145,5 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Một chiếc tàu chở tàu không rõ nguồn gốc tại thành phố Vũng Tàu. (Ảnh: TTXVN phát)

Phát hiện 2 tàu chở dầu DO không rõ nguồn gốc

Tàu cá TG 92267 TS trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có hành vi chở dầu DO không rõ nguồn gốc; một chiếc tàu khác do ông Nguyễn Thanh làm thuyền trưởng cũng bị bắt giữ ở khu vực biển Khánh Hòa.

Công an tỉnh Tây Ninh, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các lực lượng chức năng tiếp nhận, xác minh số người Việt được Campuchia trao trả. (Ảnh: TTXVN phát)

Tây Ninh: Tiếp nhận 410 công dân từ Campuchia

Phần lớn trong 410 người này đều xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc, có người bị công ty bóc lột sức lao động nên đã liên hệ cơ quan chức năng Campuchia nhờ giải cứu.