Vụ án ở Cục Đăng kiểm: Cựu Giám đốc trung tâm đăng kiểm phạm tội vì 'quá tự tin'

Luật sư lập luận bị cáo chủ “chỉ nhận tiền khi cấp dưới đưa lên, đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu”; bị cáo nghĩ do khách hàng tự nguyện đưa nên chỉ phạm vào lỗi “vô ý do quá tự tin.”

Vụ án ở Cục Đăng kiểm: Cựu Giám đốc trung tâm đăng kiểm phạm tội vì 'quá tự tin'

Ngày 9/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các Trung tâm, Chi cục Đăng kiểm địa phương, với phần tranh luận của các luật sư bào chữa cho các bị cáo thuộc nhóm Trung tâm đăng kiểm khối V, Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Thành phố Hồ Chí Minh có 5 trung tâm thuộc nhóm Trung tâm đăng kiểm khối V, trong đó có 4 trung tâm để xảy ra sai phạm gồm Trung tâm 50-03V, Trung tâm 50-05V, Trung tâm 50-06V và Trung tâm 50-07V.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các trung tâm khối V nói trên có chủ trương cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền từ chủ phương tiện để bỏ qua lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng của phương tiện khi tiến hành kiểm định và vẫn cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm cho các phương tiện. Số tiền nhận được sẽ được phân chia cho lãnh đạo, đăng kiểm viên, nhân viên tại trung tâm, dành một phần làm quỹ tiếp khách ngoại giao và một phần để chung chi cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Đặc biệt, từ thời điểm bị cáo Đặng Việt Hà được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hà đã đưa ra yêu cầu các Trung tâm khối V phải nộp tiền hối lộ hàng tháng cho Hà với mức cố định từ 8.000 đồng đến 15.000 đồng/phương tiện đối với tổng các phương tiện đến các Trung tâm để kiểm định.

Do đó, tất cả lãnh đạo, đăng kiểm viên các Trung tâm khối V đều phải tăng cường việc nhận tiền khi kiểm định để có tiền nộp cho Hà theo yêu cầu.

Tại Trung tâm đăng kiểm 50-03V, cựu Giám đốc Trung tâm Trần Văn Chủ là người điều hành mọi hoạt động, thống nhất với Ban Giám đốc cho đăng kiểm viên nhận tiền hối lộ để bỏ qua lỗi các phương tiện khi đến kiểm định.

Từ tháng 8/2018 đến tháng 3/2022, để đảm bảo đủ chỉ tiêu số lượt phương tiện kiểm định của Cục Đăng kiểm giao, tăng thêm thu nhập cho nhân viên, đồng thời có tiền để chung chi cho lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, Trần Văn Chủ cho phép các đăng kiểm viên của trung tâm nhận tiền hối lộ từ người đi đăng kiểm, chủ phương tiện và đối tượng môi giới để bỏ qua lỗi của phương tiện trong quá trình kiểm định để cấp Giấy chứng nhận đăng kiểm.

Trần Văn Chủ bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị mức án từ 12-13 năm tù.

Luật sư bào chữa của Trần Văn Chủ không tranh luận về tội danh nhưng cũng không đồng ý đối với khung hình phạt mà Viện Kiểm sát đã đề nghị với bị cáo. Luật sư trình bày, các chủ xe tự nguyện cho tiền đăng kiểm viên chứ không phải đăng kiểm viên cố ý làm khó khi họ mang xe tới đăng kiểm. Chủ phương tiện cho tiền để bỏ qua các lỗi không ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Các đăng kiểm viên tự thỏa thuận với chủ phương tiện, chứ không phải nhận chỉ đạo từ Ban giám đốc.

Ngoài ra, theo luật sư, trong thời gian làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm 50-03V, Trần Văn Chủ không được phản ánh, báo cáo về tiêu cực xảy ra tại trung tâm. Lúc đó, trưởng chuyền đăng kiểm là người ký quyết định đạt hay không đạt, còn Chủ có nhiệm vụ giám sát chung nên không thể có đủ cơ sở để tự phát hiện sai phạm; bị cáo chỉ đóng vai trò giúp sức, không phải là người chủ trương hành vi nhận hối lộ.

Luật sư cũng viện dẫn lời khai của các bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng và Trần Đức Hòa (cựu đăng kiểm viên của Trung tâm 50-03V), trong đó nói rõ “giá tiền do đăng kiểm viên và môi giới thỏa thuận ngầm với nhau hoặc gặp trực tiếp nói chuyện”; “các xe mới thường không có lỗi nên không bắt buộc họ đưa tiền, có khi tự nguyện đưa 100-200 nghìn đồng.”

Đặc biệt, trong thời gian giữ chức giám đốc từ năm 2016 đến tháng 7/2018, bị cáo Chủ quán triệt không cho phép các đăng kiểm viên nhận tiền của chủ phương tiện.

Từ tháng 8/2018 mới xuất hiện tình trạng các trưởng chuyền đưa tiền cho Chủ vào cuối tuần, không nói rõ tiền từ đâu. Luật sư lập luận bị cáo Chủ “chỉ nhận tiền khi cấp dưới đưa lên, đưa bao nhiêu nhận bấy nhiêu”; bị cáo nghĩ do khách hàng tự nguyện đưa nên chỉ phạm vào lỗi “vô ý do quá tự tin.”

Về trách nhiệm hình sự, luật sư cho rằng bị cáo Trần Văn Chủ chỉ đóng vai trò giúp sức, không phải là người chủ trương hành vi nhận hối lộ nên không thể quy buộc bị cáo chịu trách nhiệm chung với tổng số tiền được cho là hưởng lợi bất chính hơn 2,6 tỷ đồng.

Bị cáo Chủ cũng không ép buộc các trưởng chuyền phải đưa tiền hàng tuần nên chỉ có thể quy buộc trách nhiệm hình sự cho bị cáo Chủ đối với số tiền đã nhận là hơn 360,4 triệu đồng.

Luật sư cũng trình bày thêm rằng bị cáo Trần Văn Chủ đã tích cực hợp tác với cơ quan tố tụng để giải quyết vụ án. Bị cáo có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, gia đình có công với cách mạng, bản thân là thương binh 4/4 (tham gia chiến trường Campuchia), mang nhiều bệnh tật; Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng có đơn xin giảm nhẹ hình sự cho bị cáo...

Đến nay, bị cáo cũng đã khắc phục toàn bộ số tiền được hưởng lợi. Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng mức án từ 3 đến 3,5 năm tù, thấp hơn mức Viện Kiểm sát đề nghị là đã đủ sức răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Các bị cáo là đăng kiểm viên tại Trung tâm đăng kiểm 50-03V cũng trình bày việc bản thân đã thành khẩn khai báo, có nhiều tình tiết giảm nhẹ... để xin được hưởng mức án thấp hơn mức Viện Kiểm sát đề nghị để sớm trở về với gia đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục