Ngày 22/12, các điều tra viên thuộc Văn phòng Công tố viên quận Đông Seoul tiến hành khám xét trụ sở của Bộ Đại dương và Nghề cá Hàn Quốc sau khi một số cựu quan chức của bộ này bị cáo buộc cản trở cuộc điều tra nội bộ về việc giải quyết thảm họa chìm phá Sewol hồi năm 2014, khiến hơn 300 người thiệt mạng.
Thông báo của Văn phòng Công tố viên quận Đông Seoul nêu rõ cơ quan này đã ban hành lệnh khám xét trụ sở của Bộ Đại dương và Nghề cá Hàn Quốc cũng như nhà riêng của 4 cựu quan chức bộ dưới thời cựu Tổng thống Park Geun-hye; trong đó có ông Kim Young-suk, người đang là Bộ trưởng đương nhiệm bộ trên.
Quyết định này được đưa ra là nhằm giúp cơ quan chức năng thu thập thêm chứng cứ.
[Bê bối chính trị tại Hàn Quốc: Giữ nguyên mức án vụ "danh sách đen"]
Việc khám xét diễn ra sau khi một ủy ban thanh tra của Bộ Đại dương và Nghề cá nộp đơn kiến nghị lên Văn phòng công tố, theo đó yêu cầu làm rõ những hành vi gây cản trở cuộc điều tra vụ chìm phà Sewol của ủy ban này.
Ngày 16/4/2014, chiếc phà Sewol có trọng lượng 6.825 tấn đã chìm ngoài khơi đảo Jindo, miền Nam Hàn Quốc, làm hơn 300 người thiệt mạng; trong đó chín người vẫn mất tích, hầu hết các nạn nhân đều là học sinh trung học phổ thông đang thực hiện chuyến dã ngoại.
Các kết quả điều tra kết luận thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải Hàn Quốc này là hậu quả của một loạt những yếu tố sai phạm do con người gây ra, trong đó có việc tự ý chỉnh sửa kết cấu phà, chở quá tải và đội ngũ thủy thủ thiếu kinh nghiệm.
Trưởng phà Lee Jun-Seok đã bị kết án tù chung thân với tội danh "giết người do bất cẩn" và 14 thủy thủ phải chịu mức án tù giam từ 2-12 năm.
Thảm họa này đã khiến Chính phủ Hàn Quốc thời bấy giờ của Tổng thống Park Geun-hye vấp phải chỉ trích nặng nề từ dư luận trong nước về những thiếu sót khi giải quyết vụ tai nạn.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân góp phần khiến bà Park Geun-hye bị phế truất hồi tháng Ba vừa qua.
Chính phủ Hàn Quốc của Tổng thống Moon Jae-in đang tiếp tục nỗ lực làm rõ thảm họa đường thủy này./.