Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Hội đồng Quân sự Tối cao họp khẩn cấp

Hội đồng Quân sự Tối cao (YAS) của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhóm họp tại Ankara với sự tham gia của Thủ tướng Binali Yildirim cùng các tướng lĩnh cấp cao thuộc các quân, binh chủng bộ binh, hải quân, không quân.
Vụ đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: Hội đồng Quân sự Tối cao họp khẩn cấp ảnh 1Thủ tướng Binali Yildirim tham gia cuộc họp khẩn. (Nguồn: Reuters)

Ngày 28/7, Hội đồng Quân sự Tối cao (YAS) của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhóm họp tại thủ đô Ankara với sự tham gia của Thủ tướng Binali Yildirim cùng các tướng lĩnh cấp cao thuộc các quân, binh chủng bộ binh, hải quân, không quân của nước này.

Cuộc họp diễn ra đúng một ngày sau khi Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra lệnh sa thải 149 trên tổng số 358 tướng lĩnh của các đơn vị quân đội sau vụ đảo chính bất thành vào đêm 15/7, khiến bộ máy lãnh đạo quân sự đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Theo thông báo trước đó, 149 tướng lĩnh bị sa thải lần này gồm 87 tướng lục quân, 30 tướng không quân và 32 đô đốc vì tội đồng lõa trong cuộc đảo chính. Ngoài ra, 1.099 sỹ quan và 436 hạ sỹ quan cũng bị sa thải. 

Cũng trong ngày 28/7 trước khi diễn ra cuộc họp, hai tướng 4 sao là Tham mưu trưởng Lục quân, Tướng Ihsan Uyar và Chỉ huy huấn luyện và đào tạo của lục quân, Tướng Kamil Basoglu đã từ chức không rõ nguyên nhân. 

Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành hôm 15/7, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ liên tục truy quét các đối tượng tình nghi có dính líu đến âm mưu đảo chính.

Đến nay, Ankara đã bắt giữ tổng cộng gần 16.000 người và sa thải 50.000 nhân viên các ngành nghề, trong đó chủ yếu là cảnh sát, quân đội, thẩm phán, công tố viên, nhà báo, giáo viên... 

Trong động thái mới nhất, ngày 28/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải 88 nhân viên Bộ Ngoại giao do bị tình nghi có liên quan đến một tổ chức Hồi giáo của Giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ, mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính.

Hiện Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng trong nỗ lực bình ổn đất nước và "làm trong sạch" bộ máy nhà nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.