Ngày 3/5, Tổng thống Cộng hòa Séc Milos Zeman xác nhận chất độc thần kinh Novichok từng được sản xuất và thử nghiệm với một lượng nhỏ tại quốc gia này.
Đây là loại chất độc mà Anh cho là được sử dụng trong vụ điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal cùng con gái bị đầu độc tại thành phố Salisbury hồi tháng Ba vừa qua.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Barrandov, Tổng thống Zeman khẳng định có kết luận cho thấy chất độc Novichok từng được sản xuất và thử nghiệm tại Séc và đã được tiêu hủy sau đó.
Ông đồng thời nêu rõ có cả thời gian và địa điểm cụ thể về việc sản xuất và thử nghiệm loại chất độc này tại Séc.
Tổng thống Zeman cũng cho biết đây là những thông tin ông có được từ bản thảo báo cáo của Cơ quan Phản gián quân sự MZ.
Theo báo cáo này, chất độc thần kinh mật danh A230 từng được sản xuất thử nghiệm tại Viện Nghiên cứu quân sự ở thành phố Brno chính là Novichok.
Tuy nhiên, một báo cáo khác của Cơ quan Phản gián dân sự BIS cho rằng chất độc này không phải Novichok.
[Nga tuyên bố Chính phủ Anh nói dối trong vụ cựu điệp viên Skripal]
Sau khi nghiên cứu cả hai bản báo cáo, Tổng thống Zeman nghiêng về kết luận của MZ.
Ông cũng cho rằng Séc có đội ngũ chuyên gia rất giỏi nghiên cứu về chiến tranh hóa học, vì vậy việc thử nghiệm các loại chất độc tại Séc là điều dễ hiểu và cần thiết.
Chia sẻ trên trang Twitter cá nhân sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Séc Karla Slechtova cho rằng nếu chất độc Novichok từng được sản xuất tại Séc chúng chắc chắn đã được tiêu hủy ngay sau đó.
Trước đó, Chính phủ Séc và các chuyên gia quân sự cùng Viện An ninh hạt nhân đều cho rằng Novichok chưa bao giờ được sản xuất tại Séc.
Hôm 4/3 vừa qua, cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái Yulia Skripal được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh tại thành phố Salisbury.
Theo Bộ Môi trường Anh, cơ quan phụ trách chiến dịch dọn dẹp tại Salisbury, một hàm lượng rất nhỏ chất độc thần kinh Novichok ở dạng lỏng đã được sử dụng trong vụ đầu độc.
Sau đó, mặc dù chưa có kết luận điều tra, London cho rằng chất độc này được chế tạo tại Nga và cáo buộc Moskva đứng sau vụ việc, đồng thời kêu gọi các đồng minh phương Tây trục xuất hàng trăm các nhà ngoại giao Nga.
Séc cũng đã trục xuất ba nhà ngoại giao Nga làm việc tại Đại sứ quán Nga ở thủ đô Praha và gia đình của những người này.
Cho đến nay, Nga bác bỏ mọi cáo buộc và cũng tuyên bố trục xuất số nhân viên ngoại giao tương đương của nhiều nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Sau cuộc điều tra, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đã xác nhận thông tin về đặc tính của chất độc này trong báo cáo công bố ngày 12/4 vừa qua, nhưng không khẳng định nguồn gốc./.